Làm ngành y, tôi đã quen với những lần vượt qua chính mình như vậy, nhưng lần này tôi thật sự bối rối vì đây cũng là lần đầu tiên tôi phải hỏi thân nhân để điền vào phiếu theo dõi bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS.
Sau phút ban đầu bỡ ngỡ vì phải nói những điều thầm kín với một người xa lạ, không khí thân thiện đã bao trùm lên chúng tôi vì cả hai đều dung dị, chân tình.
Cô bộc bạch không ngại ngần khi nói về quá khứ không mấy tốt đẹp của chồng. Cuối buổi nói chuyện, cô lần lữa một lúc rồi tự tin hỏi: Bác sĩ nói thật đi, tại sao bác sĩ hỏi cháu những chuyện ấy? Có phải chồng cháu bị HIV/AIDS không? Tôi giật bắn mình vì cái điều mà suốt buổi tôi lảng tránh để không gây tổn thương cho cô đã được cô thẳng thắn nhìn nhận với thái độ sẵn sàng đương đầu.
Tôi phải tiếp xúc thêm với anh chồng - bệnh nhân tôi đang điều trị. Anh vào viện trong tình trạng thập tử nhất sinh vì bị tràn máu màng phổi sau một cuộc xô xát với bạn bè. Sau khi được dẫn lưu màng phổi và cầm máu, anh vẫn sốt, trên phim X-quang xuất hiện những đốm viêm phổi ngày càng nặng hơn. Chúng tôi cho thử HIV và kết quả là dương tính ở cả hai lần thử. Anh còn trẻ quá, mới 24 tuổi.
Anh kể rằng hồi nhỏ anh là đứa trẻ ngang bướng, không nghe theo bất cứ sự áp đặt nào của cha mẹ. Cha mẹ anh lại là những người cực đoan, thẳng tính, quan niệm “thương cho roi cho vọt” nên không bao giờ bộc lộ tình thương yêu đối với anh mà chỉ đánh và đòi hỏi anh theo khuôn mẫu của gia đình.
Anh xa lạ với cách sống đó, luôn có cảm giác cô đơn, cho đến khi anh gặp một thằng bạn trên anh hai lớp, nó rất thương anh. Hai đứa tâm đầu ý hợp nên rủ nhau bỏ nhà lên TP Hồ Chí Minh lập nghiệp. Ở tuổi 16, đôi bạn phải đi làm đủ nghề để kiếm sống, tối về cùng phê với nàng tiên nâu. Càng ngày, nghiện càng tăng khiến tài chính trở thành gánh nặng, họ phải làm việc vất vả hơn vẫn không đủ chi phí, có lần phải đi giật dây chuyền.
Thằng bạn anh bị HIV/AIDS, nằm viện vài tháng thì nó ra đi. Anh có cảm giác cô độc còn khủng khiếp hơn nhiều so với hồi ở với cha mẹ. Anh ước ao được trở về nhà nhưng với thân tàn ma dại thế này thì anh không thể. Anh quyết tâm cai nghiện và học nghề nấu ăn, bây giờ anh đang là đầu bếp của một nhà hàng. Anh yêu cô phụ bếp nghèo khổ nhưng nết na, nhẫn nhịn và họ đã cưới nhau 2 tháng nay.
Tôi nghi ngờ hỏi: “Có thật anh đã cai được không?”. Anh rắn rỏi: “Chơi được thì cũng cai được, miễn là quyết tâm và có người thật lòng đáp lại tình yêu của mình”.
Anh đã được điều trị một tháng nhưng vẫn rất tệ, người bắt đầu nổi mụn mủ, tiêu chảy, ho nhiều hơn. Cô vợ trẻ vẫn chăm sóc anh suốt ngày đêm và họ vẫn kể chuyện tiếu lâm, đùa với nhau như chẳng có gì xảy ra. Nhưng có lúc anh ngủ, cô ra ngồi một mình ngoài hành lang, mắt nhìn xa xăm, vẫn lặng lẽ như nước hồ thu…
Sau khi lo hậu sự cho anh xong, cô trở lại gặp tôi, kể cho tôi hay rằng trước khi mất, anh có cảm giác cô đang mang trong mình mầm sống mới của anh, bây giờ thì điều đó đã được khẳng định. Anh nói rằng anh rất yêu cô nhưng không thể sống suốt đời với cô được.
Bằng tình yêu với anh, cô hãy dạy dỗ đứa con nên người, đừng sa ngã trước những mối tình ảo để đến khi gặp một tình yêu thật thì không còn được sống nữa. Không hiểu sao anh tin nó là con trai và đặt tên nó là Thành Nhân.
Khoảng một năm sau, cô trở lại gặp tôi, kể cho tôi hay rằng trước khi mất, anh đã khóc rất nhiều vì không thể đem lại hạnh phúc cho cô. Anh bảo cô là báu vật của đời anh, chỉ một năm có cô trong đời, anh đã được sống bù cả 20 năm tồn tại tăm tối với những ảo tưởng không tình yêu.
Anh tin rằng, mỗi người đều có một nửa của mình chờ đợi đâu đó trong cuộc sống này. Bây giờ một nửa của cô đã ra đi, để cô như bị xé làm đôi với một nửa còn lại luôn trăn trở hai chữ “Thành Nhân”. Cô nhờ tôi giới thiệu cho cô một lớp học dạy chăm sóc người HIV/AISD. Những bệnh nhân sẽ giúp cô cảm thấy có anh luôn đồng hành trong phần đời còn lại, giúp cô không bao giờ đánh mất niềm tin vào tình yêu, vào cuộc sống.