Hãng tin Tass đưa tin, phát biểu tại một cuộc họp về giải trừ hạt nhân tại Hiroshima ngày 4/8, Đại sứ Nga tại Nhật Bản Mikhail Galuzin đã bác bỏ cáo buộc cho rằng Moscow có thể sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine.
"Có rất nhiều cáo buộc xung quanh lập trường của Nga với những đồn đoán về khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Ukraine. Tuy nhiên, học thuyết của chúng tôi về vấn đề này vẫn không thay đổi, đó là chúng tôi không loại trừ khả năng đáp trả hạt nhân, nhưng chỉ sau khi có các hành động gây hấn bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt hoặc vũ khí truyền thống đe dọa đến sự tồn vong của đất nước chúng tôi. Mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt của chúng tôi nhằm phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine, không liên quan đến những kịch bản này," Đại sứ Galuzin nhấn mạnh tại cuộc họp.
Ông Galuzin cũng lưu ý rằng sự "bành trướng thù địch" và việc lập ra "thành trì chống Nga ở Ukraine" của NATO đã vượt lằn ranh đỏ và "xâm phạm trực tiếp đến lợi ích an ninh quốc gia của Nga".
"Mỹ và các đồng minh đã lao vào một cuộc đối đầu căng thẳng với đất nước chúng tôi, điều này có nguy cơ leo thang thành một cuộc xung đột vũ trang," nhà ngoại giao Nga cho hay.
Theo Đại sứ Galuzin, các bên cần ngăn chặn bất cứ cuộc xung đột vũ trang nào giữa các cường quốc hạt nhân bởi vì nó có thể leo thang thành một xung đột hạt nhân. "Đó chính là những gì Nga cảnh báo về hậu quả tiềm tàng từ những hành động gây hấn trực tiếp của NATO nhằm vào đất nước chúng tôi trong bối cảnh khủng hoảng Ukraine. Bước đi đó có thể kéo theo một trong hai kịch bản được nêu trong học thuyết của chúng tôi," Đại sứ Galuzin nói thêm. Đồng thời, ông khẳng định rằng Moscow không mong muốn điều này xảy ra, song "nếu phương Tây thách thức sự kiên nhẫn của Nga, Moscow sẽ không lùi bước".
Ngày 2/8, Nga cũng cáo buộc Mỹ tham gia trực tiếp vào cuộc chiến Ukraine. Theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga, bình luận của Vadym Skibitsky, Phó cục trưởng Cục tình báo quân sự Ukraine, liên quan đến việc Kiev sử dụng hệ thống tên lửa cơ động cao (HIMARS) do Mỹ sản xuất.
Phát biểu trên tờ Telegraph (Anh) trước đó, ông Skibitsky cho biết, đã có cuộc tham vấn giữa các quan chức tình báo Mỹ và Ukraine trước khi các cuộc tấn công xảy ra và Washington có quyền phủ quyết hiệu quả đối với các mục tiêu đã định.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, cuộc phỏng vấn trên cho thấy Washington đang vướng vào cuộc xung đột mặc dù nhiều lần khẳng định rằng họ đang hạn chế vai trò đối với nguồn cung cấp vũ khí vì không muốn đối đầu trực diện với Moscow.
Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2, Mỹ và các đồng minh NATO đã cam kết viện trợ quân sự hàng chục tỷ USD cho Kiev. Mỹ hiện là quốc gia hỗ trợ vũ khí lớn nhất cho Ukraine. Trong những vũ khí Washington cấp cho Kiev, đáng chú ý là các hệ thốngHIMARS. Ukraine tuyên bố phá hủy hàng chục mục tiêu quân sự của Nga bằng khí tài này trong vòng 1 tháng qua.