Theo hãng RT, ngày 13/4, trang Svenska Dagbladet của Thụy Điển đưa tin Thủ tướng Magdalena Andersson đang lên kế hoạch nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 6/2022.
Phản ứng về thông tin trên, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho biết, Phần Lan và Thụy Điển đang nghiêm túc thảo luận về khả năng gia nhập NATO trong khi liên minh này đã sẵn sàng cho phép các quốc gia trên trở thành thành viên trong thời gian ngắn nhất và với ít thủ tục nhất.
Ông Medvedev lưu ý thêm rằng Mỹ đang "tuyên bố rộng rãi rằng nước này 'hoan nghênh' đại diện của các nước Bắc Âu thúc đẩy quá trình gia nhập NATO". “Điều đó nghĩa là gì? Điều đó tức là Nga sẽ có nhiều đối thủ chính thức hơn," ông Medvedev nhận định.
Quan chức an ninh Nga cũng cho rằng, nếu Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO, chiều dài biên giới trên đất liền của NATO sẽ tăng hơn gấp đôi, đồng thời nhận định "về mặt tự nhiên, những đường biên giới này sẽ phải được tăng cường".
Ngoài ra, ông Medvedev nói rằng khả năng Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO sẽ đồng nghĩa với việc tuân thủ tình trạng phi hạt nhân của vùng Baltic bị đặt câu hỏi.
Trong khi đó, tờ The Guardian của Anh hôm 13/4 đưa tin Phần Lan và Thụy Điển đang cân nhắc thận trọng việc gia nhập NATO mặc dù con đường trở thành thành viên của liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu đối với hai quốc gia này đang có nhiều thuận lợi.
Phần Lan sẽ quyết định liệu có gia nhập NATO hay không trong những tuần tới. Đây là tuyên bố mới nhất của Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin về khả năng tham gia liên minh quân sự 30 thành viên.
Trong cuộc họp báo với người đồng cấp Thụy Điển hôm 13/4, Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin cho biết: “Hiện có những quan điểm khác nhau trong việc trở thành thành viên NATO và chúng tôi phải phân tích những điều này cẩn thận. Chúng tôi sẽ có cuộc thảo luận trong Quốc hội nhưng quy trình sẽ khá nhanh, có thể diễn ra trong vài tuần tới, mặc dù điều này có thể khiến Moscow phản đối”.
Thụy Điển cũng đang cân nhắc thận trọng về quyết định gia nhập NATO. Theo hãng tin Tass, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson đánh giá việc gia nhập NATO sẽ có những ưu và nhược điểm nhất định, và cho biết chính phủ đang tham khảo ý kiến của quốc hội. “Tôi nghĩ rằng phải phân tích tình hình mới và làm điều đó rất nghiêm túc, suy nghĩ về hậu quả, ưu và nhược điểm của tất cả những giải pháp. Thụy Điển đang tham vấn với các bên và sau đó sẽ đưa ra quyết định," Thủ tướng Andersson nói trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Phần Lan Sanna Marin. Theo bà Andersson, quá trình tham vấn này sẽ không kéo dài và có thể hoàn thành vào cuối tháng 5 tới.
Một cuộc thăm dò ý gần đây cho thấy 68% người Phần Lan ủng hộ việc gia nhập NATO, cao gấp đôi so với kết quả thực hiện trước thời điểm Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine. Còn theo kết quả thăm dò tại Thụy Điển, phần lớn người dân nước này đều bày tỏ sự ủng hộ việc tham gia NATO.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng bày tỏ sự hoan nghênh nếu Thụy Điển và Phần Lan quyết định gia nhập liên minh này. Theo quy định, đơn đăng ký trở thành thành viên NATO phải được sự đồng ý của tất cả 30 thành viên và quá trình này có thể mất từ 4-12 tháng.
Tuy nhiên, triển vọng NATO mở rộng thành viên cũng có thể làm thổi bùng căng thẳng giữa Nga và NATO.
Moscow đã nhiều lần cảnh báo cả hai nước không tham gia NATO và sẽ coi bất kỳ động thái nào như vậy là hành động khiêu khích. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 7/4 nói rằng nếu Phần Lan và Thụy Điển tham gia NATO, Nga sẽ phải tái cân bằng tình hình bằng các biện pháp riêng. Trả lời phỏng vấn hãng tin Sky News của Anh, người phát ngôn Dmitry Peskov khẳng định Nga sẽ phải tăng cường đảm bảo an ninh ở phía tây nước này nếu Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO.