Xu hướng sở hữu ô tô và hệ luỵ
Giao thông công cộng là một phần thiết yếu của bài toán này, đặc biệt là ở các TP lớn. Trên thực tế, nếu không phải là giải pháp duy nhất thì ĐSĐT cũng được xem là giải pháp tốt nhất có sẵn.
Một trong những vấn đề quan trọng mà chúng ta đang phải đối mặt là văn hóa tập trung vào xe hơi tại các đô thị. Nhiều gia đình có thu nhập trung bình và cao ở TP mua ô tô vì hai lý do.
Thứ nhất, ô tô mang lại cho họ sự tiện lợi và an toàn so với các phương thức vận tải khác.
Thứ hai, với nhiều gia đình, việc sở hữu một chiếc ô tô còn phần nào định nghĩa sự thành công của họ. Động lực này đã góp phần làm tăng nhanh số lượng sở hữu ô tô.
Năm 2022, cứ hơn một phút người Việt Nam lại mua một chiếc ô tô. Mật độ xe ô tô chủ yếu tập trung tại các đô thị lớn, (như Hà Nội đã đạt hơn 1 triệu chiếc), “bổ sung” áp lực lên những con đường vốn đã tắc nghẽn của các TP.
Theo tính toán của các cơ quan chức năng, trung bình mỗi ngày một người dân Hà Nội bị ùn tắc giao thông từ 15 - 20 phút, tương ứng mỗi năm người dân và ngân sách Hà Nội mất khoảng 15.000 tỷ đồng.
Một trong những nhược điểm lớn của ô tô là chúng chiếm một lượng lớn không gian của đường phố một cách không cần thiết. Một ô tô có thể chứa khoảng 4 - 7 hành khách, trong khi một chiếc xe buýt có thể chứa 30 - 70 hành khách và chiếm dụng diện tích trên đường tương đương với ba chiếc ô tô.
Tuy nhiên, nếu sử dụng một phần ba con đường để xây dựng ĐSĐT, có thể vận chuyển 1.000 hành khách trên mỗi đoàn tàu (với tàu điện ngầm sẽ không chiếm dụng diện tích trên đường).
Điều này cho thấy tiềm năng của các hệ thống giao thông công cộng ĐSĐT, để sử dụng không gian hiệu quả hơn và phục vụ nhiều hành khách hơn so với ô tô và phương tiện cá nhân.
ĐSĐT cũng thể hiện sự văn minh, hiện đại trong cách lựa chọn phương thức đi lại, ứng xử với môi trường sống của cư dân đô thị. Khi mức sống cao hơn, lối sống của mỗi gia đình thành thị cũng cần “tiến xa hơn” chiếc ô tô.
Định hình giao thông xanh
ĐSĐT có thể tạo ra hiệu ứng domino về giao thông vận tải và tiến bộ kinh tế - xã hội. Nó nhanh hơn đáng kể so với các phương thức vận tải khác. Hành khách có thể đi và đến các điểm ga đúng giờ và không gặp phải tắc nghẽn trên đường.
Dịch vụ di chuyển siêu nhanh này của có thể làm giảm nhu cầu của mọi người về việc sống gần nơi làm việc, học tập… vì họ có thể đi lại một cách dễ dàng. Khả năng vận chuyển vô cùng hiện đại của ĐSĐT còn là tác nhân quan trọng làm giảm sự cạnh tranh về nhà ở tại các khu vực trung tâm, khuyến khích người dân cân nhắc việc sống ở khu vực ngoại thành đang bị lãng quên, và có giá thuê, mua nhà ở thấp hơn lõi đô thị rất nhiều lần.
Tiếp đó, sự gia tăng dân cư tại khu vực ngoại vi sẽ có thể khuyến khích các DN theo đến, thiết lập hệ thống kinh doanh dịch vụ hoặc sản xuất của họ ở đó. Mặt khác, ĐSĐT cho phép mọi người sống ở các khu vực ngoại vi và thuận tiện di chuyển đến trung tâm đi làm, đi học… cũng đồng nghĩa với việc tiết kiệm được lượng chi phí xã hội khổng lồ, tiết kiệm chi tiêu cho từng gia đình.
Tất yếu, với những lợi ích của ĐSĐT như vậy, việc chuyển đổi từ văn hóa lấy ô tô làm trung tâm sang văn hóa dựa trên phương tiện công cộng là điều cần thiết. Mặc dù xây dựng ĐSĐT là một bước quan trọng, nhưng nó sẽ không giải quyết được vấn đề nếu mọi người không hình thành mối quan hệ thân thiết với nó.
Một ví dụ thành công về điều này là Hồng Kông, nơi có văn hóa dựa trên giao thông công cộng. Đường sắt vận chuyển khối lượng lớn, với 12 tuyến và 93 nhà ga, chịu trách nhiệm vận chuyển hầu hết 7,5 triệu cư dân của TP.
Sự thành công của ĐSĐT ở Hồng Kông một phần là do cư dân thuộc mọi thành phần kinh tế - xã hội đều sử dụng nó để đi lại. Đây là lý do tại sao ĐSĐT không chỉ là giải pháp cho vấn đề giao thông mà còn trở thành biểu tượng của sự phát triển bền vững, tiến bộ và hy vọng.
Mặt khác, ĐSĐT còn giúp giảm thiểu việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, hạn chế ô nhiễm không khí, tạo tiền đề các TP đạt được bước tiến quan trọng gần gũi hơn, thân thiện hơn với môi trường.
Giao thông vận tải là ngành tiêu thụ năng lượng lớn ở Việt Nam và là nguồn phát thải khí nhà kính đáng kể với khoảng 45 triệu tấn CO2 tương đương vào năm 2019 và dự báo tăng trung bình 6 - 7% mỗi năm, lên đến gần 90 triệu tấn CO2 vào năm 2030.
Chính vì vậy, việc chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính của ngành giao thông vận tải được nhận định có vai trò quan trọng trong lộ trình để Việt Nam đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính cũng như mục tiêu trung hòa các-bon vào năm 2050 như Thủ tướng Chính phủ đã cam kết tại Hội nghị COP26.
Đặc biệt, dự kiến đến năm 2050, khoảng 70% dân số Việt Nam sẽ tập trung tại các khu vực đô thị. Do đó, việc chuyển đổi giao thông xanh, trong đó lấy ĐSĐT làm xương sống đóng một vai trò đặc biệt quan trọng.
Niềm đam mê tàu điện là thứ chúng ta cần để TP ngày một phát triển!