Nhiều ý kiến nhận định, dự thảo với nhiều điểm mới là then chốt để nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - Trưởng ban soạn thảo Nghị định, với chủ trương chuyển từ Chính phủ quản lý sang Chính phủ phục vụ, quan điểm trong xây dựng Nghị định là lấy người dân, DN làm trung tâm phục vụ. Việc xây dựng Nghị định không dừng ở nâng cấp, hoàn thiện các quy định, mà còn đảm bảo tính hiệu quả trong giải quyết TTHC tại các cơ quan công quyền từ T.Ư đến địa phương.
Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng nhận định, việc giải quyết TTHC tuy đã có những kết quả ban đầu, nhưng vẫn tồn tại 5 vấn để lớn cần khắc phục là việc triển khai cơ chế này ở nhiều địa phương còn lúng túng; tổ chức thực hiện còn thủ công, thiếu thống nhất, nặng tính hình thức. Dù là cơ chế một cửa, nhưng thời gian chờ đợi, trả kết quả hồ sơ còn dài. Chất lượng giải quyết TTHC ở địa phương còn thấp, khiến dân phải đi lại nhiều lần. Cùng với đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế.
Một trong những điểm mới tại Dự thảo Nghị định là đối với cấp tỉnh, bộ phận một cửa được tổ chức tập trung và lấy tên gọi là trung tâm hành chính công cấp tỉnh. Riêng đối với Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, để phù hợp với nhu cầu giải quyết TTHC, giao cho Chủ tịch UBND TP quy định tổ chức từ 1 - 3 trung tâm hành chính công theo khu vực.
Góp ý vào Dự thảo, nhiều ý kiến đồng tình, cách tiếp cận lấy người dân làm trung tâm trong CCHC công là tư duy hiện đại, phù hợp với vai trò và chức năng của một "Chính phủ kiến tạo, liêm chính và hành động”. Nghị định khi được ban hành sẽ tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất để triển khai hiệu quả việc giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại cơ quan hành chính Nhà nước…