Một cuộc chiến mới giữa Mỹ, châu Âu và Trung Quốc

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phương Tây đang nỗ lực cạnh tranh với Trung Quốc nhằm nắm giữ nguồn nguyên liệu quan trọng cho năng lượng xanh.

Khi thế giới dần chuyển sang sử dụng năng lượng xanh, các siêu cường ngay lập tức lao vào cuộc cạnh tranh nguồn nguyên liệu quan trọng như: coban, lithium và than chì.

Hiện tại, Trung Quốc đang dẫn đầu cuộc đua với việc kiểm soát phần lớn thị trường nguyên liệu này, tuy nhiên phương Tây cũng đang đẩy mạnh các kế hoạch đầy tham vọng.

Các siêu cường đang quan tâm đến mỏ coban tại Cộng hòa Dân chủ Congo. Nguồn: SCMP
Các siêu cường đang quan tâm đến mỏ coban tại Cộng hòa Dân chủ Congo. Nguồn: SCMP

Tháng trước, Liên minh châu Âu cho biết về ý định thách thức sự thống trị của Bắc Kinh trong khai thác và chế biến khoảng sản cung cấp năng lượng cho thiết bị điện tử và xe điện. Trong khi đó, Mỹ cũng đã tiết lộ nhiều kế hoạch nhằm đảm bảo nguồn cung khoáng sản từ châu Phi.

So với các đối thủ, Trung Quốc đang có những ưu thế nhất định khi nhận được lượng lớn coban từ Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC), quốc gia cung cấp hơn 70% lượng nguyên liệu này cho thế giới, cũng như đang tập trung đầu tư cho các mỏ đồng tại Zambia.

Mỹ và châu Âu trong bối cảnh hiện tại đang nỗ lực lôi kéo hai quốc gia châu Phi.

Bên lề Diễn đàn Cửa ngõ toàn cầu, EU đã ký một bản ghi nhớ (MOU) với DRC và Zambia để phát triển các chuỗi nguyên liệu thô quan trọng và mang tính chiến lược. Chiến lược Cửa ngõ toàn cầu của châu Âu được xem là đối trọng với Sáng kiến Vành đai và Con đường trị giá hàng nghìn tỷ USD của Trung Quốc.

Cũng tại diễn đàn này, EU đã ký kết một thỏa thuận khác với Namiba về chuỗi giá trị nguyên liệu thô và hydro tái tạo với tổng giá trị lên đến 1 tỷ euro.

Khối 27 quốc gia cũng sẽ hỗ trợ nghiên cứu phát triển cảng vịnh Walvis, dọc bờ biển Namibia thành trung tâm công nghiệp và hậu cần cho khu vực.

Từ ngày 25-26/10, Mỹ và EU cũng đã đồng thuận giúp Angola, DRC và Zambia phát triển “Hành lang Lobito” – tuyến giao thông kết nối miền Nam DRC và Tây Bắc Zambia với các thị trường thương mại khu vực và toàn cầu thông qua thành phố càng Lobito, Angola.

Ban đầu, Mỹ cam kết đầu tư khoảng 250 triệu USD cho việc nghiên cứu hành lang này. Christian-Geraud Neema, chuyên gia về khai thác mỏ Congo, cho biết Mỹ và EU cho biết mục đích ban đầu của phương Tây đối với dự án này chỉ là nhằm thiết lập một chuỗi cung ứng nhỏ, sau đó mới tăng cường tầm ảnh hưởng về kinh tế và chính trị thông qua các hiệp định thương mại.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết: “Hành lang vận tải Lobito sẽ là nhân tố thay đổi cuộc chơi thương mại khu vực và toàn cầu”.

Theo Gyude Moore, nhà nghiên cứu chính sách cấp cao tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu, Hành lang Lobito sẽ là tiền đề quan trọng để giúp phương Tây lật ngược tình thế trong cuộc đua khai thác nguyên liệu mà Trung Quốc vẫn đang chiếm thế thống trị tại châu Phi.

Tuy nhiên, nền kinh tế số hai thế giới cũng không hề rời mắt khỏi châu Phi. Tại diễn đàn Vành đai và Con đường ở Bắc Kinh vào tháng trước, quốc gia tỷ dân tuyên bố sẽ đầu tư vào giai đoạn hai của mỏ đồng và coban Kamoa ở DRC và dự án mỏ kali Kururi ở Eritrea – loại nguyên liệu quan trọng để chế tạo pin lithium.

Không những vậy, Bắc Kinh cũng đang thúc đẩy phát triển một trong những đoạn chính của Hành lang Lobito là tuyến đường sắt dài 1.344km Benguela nối cảng Lobito với thành phố Luau, phía Đông Angola. Tuyến đường sắt này là con đường vận chuyển khoáng sản chính trước khi bị đóng cửa trong cuộc nội chiến Angola 1975-2002. Ngân hàng China Eximbank đã giúp Angola xây dựng lại con đường này thông qua hạn mức tín dụng hỗ trợ bằng dầu mỏ trị giá 1,8 tỷ USD.

Các công ty Trung Quốc cũng đồng thời tăng cường nhiều khoản đầu tư giúp nâng cấp cơ sở hạ tầng để vận chuyển khoáng sản qua lại giữa các cảng thuận lợi. Vào tháng 3, các công ty con của Jiayou International Logistics và Zijin Mining Group đã công bố khoản đầu tư chung trị giá 363 triệu USD nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng giữa Cộng hòa Dân chủ Congo và Lobito.

Carlos Lopes, giáo sư tại Đại học Cape Town, cho biết do tham gia sớm và toàn diện vào châu Phi, Trung Quốc không chỉ đảm bảo được các nguồn khoáng sản quan trọng mà cồn thiết lập tầm ảnh hưởng về kinh tế và chính trị thông qua các hiệp ước thương mại, đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng.