Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Một cuộc khủng hoảng mới sau bất ổn tại Hạ viện Mỹ?

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc Hạ viện Mỹ bận rộn tìm kiếm nhà lãnh đạo mới một lần nữa làm dấy lên nguy cơ chính phủ phải đóng cửa, kéo theo đó là các tác động nghiêm trọng tới nền kinh tế.

Theo các chuyên gia Phố Wall, bất ổn chính trị đằng sau việc Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy bị phế truất đặt ra những rủi ro lớn đối với thị trường tài chính Mỹ, vốn đã lao đao trước các biện pháp cứng rắn nhằm giảm lạm phát gần đây của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Chưa dừng lại ở đó, lợi suất trái phiếu tăng vọt và tình trạng hỗn loạn trên thị trường dầu mỏ khiến các nhà đầu tư không khỏi lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế trong những tháng tới.

“Lợi suất và diễn biến thị trường dầu mỏ đều là những vấn đề lớn. Hơn thế nữa, việc chúng xảy ra tại thời điểm nền kinh tế dễ bị tổn thương sẽ khiến cho hậu quả càng thêm nghiêm trọng hơn” - Callie Cox, nhà phân tích đầu tư Mỹ tại eToro, cho biết vào hôm 4/10.

“Bất ổn chính trị vào lúc này có thể khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn”, vị chuyên gia cho biết thêm.

Vào hôm 4/10, Chỉ số Dow Jones tăng 127 điểm, tương đương 0,38%, trong khi S&P 500 tăng 0,81% và Nasdaq tăng 1,35%. Mức tăng này đến sau sự sụt giảm liên tục của chứng khoán trong thời gian gần đây, bao gồm cả mức giảm 400 điểm của chỉ số Dow vào ngày 3/10.

Nền kinh tế số một thế giới đã có một tháng 9 đầy bất ổn với việc chính phủ nước này có nguy cơ đóng cửa. Và mặc dù Quốc hội Mỹ đã thông qua biện pháp tạm thời, nhưng rủi ro này vẫn vô cùng lớn. Có hiệu lực đến ngày 17/11, Dự luật ngân sách tạm thời sẽ giúp các nhà lập pháp có thời gian để tìm kiếm thỏa thuận mới về nguồn tài trợ cho chính phủ.

Bất ổn tại Hạ viện Mỹ sẽ đẩy nền kinh tế số một thế giới vào cuộc khủng hoảng mới? Nguồn: The Hill
Bất ổn tại Hạ viện Mỹ sẽ đẩy nền kinh tế số một thế giới vào cuộc khủng hoảng mới? Nguồn: The Hill

Tuy nhiên, việc Hạ viện phế truất ông McCarthy khiến cơ quan này trước tiên phải bầu ra vị trí người đứng đầu mới trước khi xét tới các vấn đề khác.

Brian Gardner, Giám đốc chiến lược chính sách Washington tại ngân hàng Stifel, cho biết: “Quá trình lựa chọn Chủ tịch mới sẽ khiến việc xử lý các dự luật phân bổ ngân sách bị trì hoãn, làm gia tăng nguy cơ đóng cửa chính phủ”.

Ông cho biết thêm: “Chủ tịch mới có thể phải đối mặt với vấn đề tương tự như ông McCarthy, khi một nhóm nhỏ thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện có thể lợi dụng kẽ hở để buộc chính phủ đóng cửa”.

Các chuyên gia Phố Wall lo ngại rằng mặc dù các lần đóng cửa chính phủ đều diễn ra trong thời gian ngắn và ít có tác động trực tiếp đến kinh tế, lần đóng cửa này có thể làm lung lay niềm tin của người tiêu dùng.

Bà Callie Cox cho biết: “Chúng tôi đã chứng kiến ​​sự sụt giảm niềm tin đáng kể của người tiêu dùng trong một số đợt đóng cửa gần đây, và nếu tình trạng này tiếp tục xảy ra, sức chi tiêu có thể sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng”.

Sau nhiều năm đối mặt với lạm phát ở mức cao, nền kinh tế Mỹ đang phục hồi đáng kể, với việc Fed liên tục tăng lãi suất nhằm hạ nhiệt nền kinh tế. Thị trường lao động vẫn phát triển mạnh bất chấp tăng trưởng việc làm có dấu hiệu chậm lại. Điều này giúp các quan chức Fed kỳ vọng về việc nền kinh tế sẽ tránh được suy thoái.

Mặc dù vậy, niềm tin của người tiêu dùng đã giảm kể từ mùa hè, trong bối cảnh giá xăng tăng vọt ảnh hưởng nặng nề đến sức chi tiêu của các hộ gia đình.

Bà Callie Cox cho biết: “Vẫn luôn có những lo lắng thường trực về việc sụt giảm niềm tin vào nền kinh tế sẽ khiến người dân giảm chi tiêu, dẫn đến nguy cơ khủng hoảng kinh tế”.

Trường hợp Chính phủ Mỹ đóng cửa trong bối cảnh này sẽ khiến Fed và thị trường đứng trước ngã rẻ khó trong cuộc chiến chống lạm phát.

Sau khi chạm mốc cao nhất trong 40 năm là 9,1% vào tháng 6/2022, lạm phát đã suy giảm đáng kể, xuống còn 3% vào tháng 6 trước khi tăng nhẹ vào tháng 7 và tháng 8. Vào tháng 9, Fed đã phát tín hiệu về khả năng tăng lãi suất do tỷ lệ lạm phát vẫn ở trên mức mục tiêu 2%.

Các quan chức Fed đang cân nhắc liệu cơ quan này có nên tăng lãi suất thêm một lần nữa trước cuối năm nay hay dừng lại khi nền kinh tế đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại.

Trong khi đó, việc chính phủ thiếu nguồn kinh phí hoạt động sẽ khiến các nhà hoạch định chính sách không thể cập nhật dữ liệu mới nhất của nền kinh tế, gây cản trở trong cuộc chiến chống lạm phát, cũng như duy trì sự ổn định của nền kinh tế.  

“Các nhà đầu tư sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng đầu tiên”, Daniel Alpert, đối tác quản lý tại công ty đầu tư Westwood, nhận định.