Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Một Đảng “tiến bộ và chân chính” đã đổi mới thành công

TS Ngô Vương Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ thực tiễn sinh động, thay đổi nhận thức và tư duy, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra đường lối "Đổi mới" đúng đắn, phù hợp với thực tiễn để đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng và phát triển. Cho tới nay bài học lịch sử này vẫn mang nhiều ý nghĩa.

Đại hội Đảng lần thứ VI là bước ngoặt để đưa đất nước sang một thời kỳ mới. Ảnh Tư liệu

Những kết quả ngược với mong muốn

Trong vầng hào quang thắng lợi, Đại hội lần thứ IV của Đảng (12/1976) kỳ vọng vào “khả năng” trong một khoảng thời gian ngắn có thể xây dựng thành công “nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa”. Sự nôn nóng muốn có ngay nền kinh tế thuần nhất xã hội chủ nghĩa (XHCN) đã dẫn đến kết quả ngược với mong muốn.

Số liệu thống kê cho thấy: Trong giai đoạn 1976 - 1980, tốc độ tăng hàng năm của tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chỉ là 1,4%; và tổng thu nhập quốc dân (GNI) chỉ tăng 0,4% khi tốc độ tăng dân số hàng năm là 2,24%. Chỉ số giá tiêu dùng so sánh giữa các tháng 12 của các năm cho thấy một tốc độ lạm phát phi mã: Năm 1986 tăng 874,7%, năm 1987 tăng 323,1%, năm 1988 tăng 449,4%... Nhiều chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm 1976 - 1980 thực hiện không đạt. Đáng chú ý nhất là chỉ tiêu về sản lượng lương thực: Kế hoạch đề ra là 21 triệu tấn, chỉ đạt 11,6 triệu tấn - gần bằng mức năm 1976; sản lượng thóc bình quân đầu người giảm từ 211kg năm 1976 xuống 157kg năm 1980… (theo cuốn "Đổi mới ở Việt Nam nhớ lại và suy ngẫm" do Xuân Sâm, Vũ Quốc Tuấn (Chủ biên), Nxb Tri thức, Hà Nội, 2008, tr. 387 - 389)

Việt Nam đứng trước cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội sâu sắc. Nguyên nhân chính của cuộc khủng hoảng có thể nêu lên là: Duy trì quá lâu những cơ chế điều hành nền kinh tế đã tỏ ra mất sức sống; coi kế hoạch là đặc trưng quan trọng nhất của kinh tế XHCN, phân bố mọi nguồn lực theo kế hoạch, không thừa nhận sản xuất hàng hóa và cơ chế thị trường, coi thị trường chỉ là một công cụ thứ yếu bổ sung cho kế hoạch. Không thừa nhận nền kinh tế nhiều thành phần, coi kinh tế quốc doanh và tập thể là chủ yếu; muốn nhanh chóng xóa bỏ sở hữu tư nhân; xây dựng nền kinh tế khép kín, hướng nội theo hướng thiên về phát triển công nghiệp nặng; thi hành phân phối theo lao động trên danh nghĩa nhưng thực tế là bình quân cào bằng - điều này đã triệt tiêu các động lực kích thích sản xuất do ít quan tâm đến lợi ích cá nhân, bao cấp tràn lan gây tâm lý thụ động, ỷ lại…

Nhưng nguyên nhân sâu sa hơn, nguyên nhân của các nguyên nhân, bắt nguồn từ nhận thức. Cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng những năm cuối thập kỷ 70 đến cuối thập kỷ 80 trong thế kỷ XX ở Việt Nam trước hết vì những trở lực trong nhận thức cùng với thói quen bao cấp đã hình thành lâu năm càng làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng. Cuộc khủng hoảng này đặt Đảng Cộng sản Việt Nam trước nhiệm vụ lịch sử hệ trọng và khó khăn: Phải tạo được bước ngoặt sửa sai cơ bản từ đường lối chính sách, trước hết trên lĩnh vực kinh tế, và cả với tổng thể đường lối, để đứng vững và phát triển.

Đổi mới như một tất yếu, xuất phát từ thực tiễn sinh động

Công cuộc "Đổi mới" ở Việt Nam diễn ra như một tất yếu, trong bối cảnh tất cả các nước trong hệ thống XHCN đều đã hiện rõ những bất ổn của mô hình CNXH đã xây dựng. Những biểu hiện trì trệ, khủng hoảng đã hiện rõ, báo hiệu nguy cơ sụp đổ đang hiện hữu rất gần. Việt Nam có tham khảo những bài học của các nước này song không áp dụng máy móc. "Đổi mới" ở Việt Nam cũng không có “cú hích” từ bên ngoài mà chính những khó khăn, bế tắc buộc các cơ sở phải trăn trở, bươn trải tìm lối thoát, phải “bung ra” để tự cứu.

Ở tầm vĩ mô, sau nhiều cố gắng cải thiện mô hình cũ - với nhiều phong trào, nhiều chiến dịch, giương lên nhiều lá cờ… cả trong kinh tế và trên lĩnh vực tư tưởng - mà không có kết quả, tình hình ngày càng bế tắc, những bộ óc thực tế đã nhận ra rằng không thể tiếp tục duy ý chí. Ở các cấp thấp hơn, hội chứng “kinh tế thiếu hụt” ngày càng trầm trọng, cán bộ Nhân dân ở một số địa phương đã tìm cách “phá rào”, luồn lách qua những “khe hở hẹp” của thể chế hiện hành để hoạt động có hiệu quả hơn. Sau một thời gian (từ năm 1979 đến năm 1986) thực tiễn chứng minh rằng cần thiết và có thể đổi mới toàn diện, đã tạo nên bước chuyển biến quyết định trong tư duy lãnh đạo từ những người giữ cương vị cao nhất của Đảng - đánh dấu chính thức và mạnh mẽ từ Đại hội Đảng lần thứ VI (12/1986).

Chính thực tiễn sinh động đổi mới ở các cơ sở, các địa phương đã cung cấp tư liệu cho việc hình thành đường lối "Đổi mới" toàn diện của Đảng. Từ những tháo gỡ khó khăn cụ thể trong thực tiễn đã tiến đến những bước tháo gỡ lớn về tư duy kinh tế. Đó là quá trình khai mở đường lối phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, đổi mới quản lý nhà nước về kinh tế, tự chủ mở rộng quan hệ kinh tế đa phương, từng bước hội nhập kinh tế thế giới và khu vực… Cùng với những đột phá trên tổng thể nền kinh tế là những “vận động” mạnh mẽ về đường lối trên bốn lĩnh vực: Nông nghiệp; Công thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước; Kinh tế đối ngọai; Các xí nghiệp quốc doanh. Năm 1989, Nhà nước xóa bỏ bao cấp qua giá với các xí nghiệp quốc doanh đã đẩy nhanh việc sàng lọc, sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước, giảm bớt gánh nặng bao cấp để giải “bài tóan” doanh nghiệp nhà nước theo hướng “cổ phần hóa”, “công ty hóa” trong giai đoạn sau. Từ nhận thức đến hành động tháo gỡ những cơ chế ràng buộc, phá bỏ những rào cản để giải phóng sức sản xuất thực chất là sự trở lại với những nguyên lý đúng đắn về mối quan hệ biện chứng giữa sự phát triển của lực lượng sản xuất với trình độ của quan hệ sản xuất - mà một thời duy ý chí đã muốn đưa quan hệ sản xuất phát triển vượt trước và hy vọng nó sẽ kéo theo sự phát triển của lực lượng sản xuất.

Luôn luôn phấn đấu để là một Đảng “tiến bộ và chân chính”

Từ tháng 10-1947, trong tác phẩm nổi tiếng "Sửa đổi lối làm việc", Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Nói về Đảng, một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính” (Hồ Chí Minh (2011) - Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, tập 5, tr. 301). Giai đoạn lịch sử từ Đại hội IV (1976) đến hết nhiệm kỳ Đại hội VI của Đảng (1991) ghi nhận: Từ chỗ vấp sai lầm, thất bại nặng nề, Đảng đã nhận thức được tình thế và có được giải pháp thuận theo quy luật để vượt qua khủng hoảng, đưa nền kinh tế phát triển ổn định và đúng hướng, đạt nhiều thành tựu trong hoàn cảnh khó khăn. Thành công đó đã được đánh giá là “kỳ diệu”, “bất ngờ”. Thành công đó thuận với ý nguyện của Nhân dân và hợp với xu hướng phát triển của thời đại.

Thực tiễn sinh động là căn cứ để điều chỉnh, sửa chữa những sai lầm khuyết điểm trong đường lối, để đường lối mới phù hợp với thực tiễn và thúc đẩy thực tiễn phát triển đúng hướng, hợp quy luật. Khi đường lối, chính sách phù hợp với thực tiễn, tự nó đã mang tính khả thi và bao hàm cả sức mạnh để thay đổi cái cũ, tạo lập cái mới, cách làm mới. Năng lực lãnh đạo của một Đảng cầm quyền trước hết và cơ bản nhất là năng lực tìm tòi xác lập đường lối, chính sách đúng đắn để phát triển đất nước. Trong lịch sử của mình, nhờ phát hiện và sửa chữa kịp thời những sai lầm trong đường lối mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã đạt được những thành công. Trong bối cảnh mới, Đảng đã đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng Đảng, coi đây là giải pháp mấu chốt để phát huy sức mạnh dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới đi và chiều sâu để đất nước phát triển theo hướng công nghiệp hiện đại và ngày càng hội nhập với thế giới. Những nguy cơ, thách thức bên ngoài và cả bên trong (đã được Đảng xác định) vẫn hiện hữu đòi hỏi Đảng đã phải thường xuyên củng cố năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của mình. Bài học thực tiễn trong lịch sử xây dựng và điều chỉnh để có đường lối đổi mới đúng đắn vẫn giữ nguyên giá trị.

GS.TS Mạch Quang Thắng (Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh): Tự đổi mới để xứng đáng là Đảng cầm quyền

90 năm qua, sự lớn mạnh của Đảng gắn với quá trình Đảng luôn tự đổi mới để luôn trong sạch, vững mạnh. Điều này đã được thể hiện trong gần 35 năm đất nước đổi mới. Trong tầm nhìn đến năm 2030 (kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng) và năm 2045 (kỷ niệm 100 năm thành lập nước), Đảng phải tiếp tục tự đổi mới mạnh mẽ hơn nữa mới có thể tiếp tục giữ vững và tăng cường vai trò cầm quyền của Đảng.

PGS. TS Bùi Đình Phong (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh): Xây dựng Đảng về đạo đức là yêu cầu cấp thiết

Nhiệm vụ cách mạng là chống lại những gì cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những mới mẻ, tốt tươi. Để hướng tới xây dựng nước Việt Nam dân giàu nước mạnh dân chủ văn minh thì phải tập trung vào vấn đề xây dựng Đảng. Đảng vững mạnh về đạo đức, đủ năng lực trí tuệ bản lĩnh đổi mới thì mới đủ năng lực lãnh đạo. Bên cạnh những thành quả rất lớn, nhưng trong Đảng vẫn còn tồn tại khuyết điểm, một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên suy thoái về đạo đức. Vì vậy, phải tập trung xây dựng đạo đức ở mặt tổ chức Đảng và ở mỗi cá nhân đảng viên. Trong đó tập trung vào đường lối và nguyên tắc xây dựng Đảng, phải kết hợp giữa “đức trị và pháp trị”.

Bí thư chi bộ thôn 2, xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì Trần Thị Vân: Cán bộ là cái gốc của mọi công việc

Công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã được Đảng và Nhà nước ta lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện tích cực từ nhiều năm nay, nhưng thời gian gần đây càng được đẩy mạnh hơn bao giờ hết, được chỉ đạo quyết liệt và đạt nhiều kết quả tích cực. Đây là bước đột phá trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy nhà nước và của toàn hệ thống chính trị, góp phần quan trọng củng cố lòng tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Khi niềm tin của Nhân dân được khơi dậy mạnh mẽ, trái tim Nhân dân hòa nhịp đập cùng Đảng, cùng đất nước chính là sức mạnh làm nên thành công.