Xác minh thông tin theo phản ánh trong đơn được biết, cuối năm 2018, trong một lần đi khảo sát tìm địa điểm kinh doanh kho bãi, bà Linh nhìn thấy một khu đất khá rộng treo biển cho thuê gần Quốc lộ 5, nằm trên địa bàn xã Dương Xá, huyện Gia Lâm. Qua tìm hiểu được biết, khu đất này thuộc quyền quản lý sử dụng của Công ty TNHH Quản lý nợ và khai thác tài sản – Ngân hàng TMCP Quân đội (MBAMC), có tổng diện tích trên 92.000m2, được chia làm 3 khu (1, 2, 3). Bà Linh (lúc đó là Phó Giám đốc Công ty CP Kinh Tây) đã liên lạc với đại diện MBAMC để trao đổi và đàm phán thuê.
Sau khi thống nhất về giá thuê và diện tích thuê, ngày 1/6/2019, Công ty CP Kinh Tây (Vikita) tiến hành ký hợp đồng thuê đất với 13.186m2 tại khu 3 của khu đất trên để làm kho xưởng kinh doanh, nhưng đối tác ký kết lúc này không phải là MBAMC mà là Công ty CP 36.66. Bởi trước khi ký hợp đồng với Vikita, MBAMC đã ký hợp đồng cho Công ty CP 36.66 thuê 41.070m2 đất tại khu 1 và khu 3 để kinh doanh vào tháng 12/2018.
Thời điểm ký hợp đồng với Vikita, Công ty CP 36.66 đã không cung cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty CP Vikita mà chỉ cam kết rằng sẽ đảm bảo quyền sử dụng ổn định, không bị tranh chấp, khiếu kiện, khiếu nại bởi các cá nhân và cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Do vậy, Công ty CP Vikita đã ký hợp đồng thuê đất tại khu 3 mà không hề biết rằng, trong 3 khu đất này, chỉ có khu 2 là đất được nhà nước cho thuê 50 năm trả tiền 1 lần được phép xây dựng công trình và làm đường; khu 1 và khu 3 là đất được nhà nước cho thuê trả tiền hàng năm, không được phép xây dựng công trình, kể cả tường rào.
Sau khi thuê đất, Công ty Vikita đã thực hiện xây dựng các nhà tôn và công trình tạm trên đất với mục đích làm kho xưởng phục vụ kinh doanh với tổng giá trị gần 15 tỷ đồng và sử dụng toàn bộ tài sản này để góp vốn hình thành Công ty Kho vận. Tuy nhiên, khi công trình vừa hoàn thành, chưa kịp đưa vào sử dụng thì bị UBND xã Dương Xá và UBND huyện Gia Lâm có văn bản yêu cầu dỡ bỏ toàn bộ do xây dựng trái phép. Thời điểm đó, Công ty Vikita và Công ty Kho vận mới được biết, toàn bộ diện tích thuê là đất không được phép cho thuê quyền sử dụng đất và không được phép xây dựng.
Song, do giá trị công trình tạm bỏ ra quá lớn mà chưa kịp đi vào hoạt động, việc tháo dỡ theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ gây thiệt hại lớn cho Công ty Kho vận. Vì vậy, Công ty Kho vận và Công ty CP 36.66 cùng MBAMC đã nhiều lần làm việc để tìm phương án giải quyết.
Theo hồ sơ Công ty Kho vận cung cấp, sau quá trình đàm phán, Công ty MBAMC đã đề xuất để MBAMC ký hợp đồng trực tiếp với Công ty Kho vận. Lúc này, Công ty Kho vận đã làm thủ tục thanh lý hợp đồng với Công ty CP 36.66 và chuyển sang ký hợp đồng với MBAMC, tuy nhiên nội dung đối tượng trong hợp đồng thuê được thay đổi; thay vì cho thuê quyền sử dụng đất như hợp đồng trước thì tại hợp đồng này, MBAMC ký hợp đồng cho thuê “Quyền quản lý, khai thác tài sản”.
Do giá trị tài sản đã đầu tư quá lớn, ngày 3/12/2020, Công ty Kho vận chấp nhận ký lại hợp đồng thuê “Quyền quản lý, khai thác tài sản” số 0312. Theo nội dung hợp đồng số 0312, MBAMC trao cho Công ty Kho vận quyền khai thác, quản lý và vận hành tài sản trên phạm vi 10.686m2 tại xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội và MBAMC được hưởng tiền thuê định kỳ tương ứng, đồng thời được miễn trừ mọi trách nhiệm liên quan đến việc sử dụng tài sản trên đất trong thời hạn hợp đồng.
Tuy nhiên, ngay đầu năm 2021, Công ty MBAMC đã có văn bản gửi Công ty Kho vận yêu cầu tháo dỡ công trình kho tạm theo yêu cầu của UBND huyện Gia Lâm và xã Dương Xá, do vi phạm trật tự xây dựng. Để khắc phục tình trạng vi phạm, Công ty Kho vận đã tự tháo dỡ 1 nhà kho với diện tích 3.510m2 (tương đương 33%), 3 nhà kho còn lại (7.176m2) Công ty Kho vận tiếp tục khai thác cho thuê. Do yêu cầu của chính quyền địa phương về việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng, sau đó Công ty MBAMC tiếp tục yêu cầu Công ty Kho vận phải tháo dỡ hết.
Từ tháng 4/2021 đến tháng 6/2022, Công ty MBAMC gửi nhiều văn bản cho Công ty Kho vận về việc thông báo chấm dứt, thanh lý hợp đồng; thông báo ngừng khai thác cho thuê kho; ngừng khai thác sử dụng/hoạt động kinh doanh; thông báo đơn phương chấm dứt, thanh lý hợp đồng trước hạn và yêu cầu ngừng khai thác cho thuê kho; thông báo yêu cầu di dời toàn bộ hàng hóa và hoàn thành tháo dỡ công trình vi phạm…
Do chưa tìm được tiếng nói chung trong việc bồi thường thiệt hại hợp đồng nên Công ty Kho vận đề nghị chưa tiến hành tháo dỡ. Vào các ngày 22 - 23/6/2022, sau khi có văn bản thông báo cho Công ty Kho vận về phương án tháo dỡ công trình vi phạm, Công ty MBAMC đã tổ chức đưa máy móc đến thực hiện tháo dỡ toàn bộ kho xưởng mà không có sự chứng kiến của Công ty Kho vận.