Hồi đầu tuần nay, Mỹ tuyên bố triển khai một nhóm tấn công tàu sân bay và máy bay ném bom đến Trung Đông để răn đe Iran, đánh dấu lần mới nhất trong một loạt các động thái của chính quyền Washington nhằm tăng áp lực lên quốc gia Cộng hòa Hồi giáo.
Những rạn nứt giữa Washington và Tehran một lần nữa mở rộng từ một năm trước, khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran - được gọi là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA).
Kể từ đó, chính quyền Tổng thống Trump đã áp dụng các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Iran, bao gồm cả việc phong tỏa xuất khẩu dầu - nguồn sống của nước này - với mục tiêu "bỏ đói" nền kinh tế Iran.
Sau khi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 được thực hiện, nền kinh tế của quốc gia Trung Đông đã hồi sinh với việc GDP tăng 13% trong năm 2016. Ngược lại, việc khôi phục các lệnh trừng phạt của Mỹ hồi tháng 11 năm ngoái đã gây tổn thất nặng nề cho nền kinh tế Iran, khiến GDP của nước này giảm 3,9% trong năm 2018.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán nền kinh tế Iran sẽ tiếp tục giảm thêm ít nhất 6% vào năm 2019 khi chính quyền Trump tuyên bố "đưa xuất khẩu dầu của Iran về mức 0". Vào đầu năm 2018, sản lượng dầu thô của Iran đạt 3,8 triệu thùng/ngày (bpd) và nước này đã xuất khẩu khoảng 2,3 triệu bpd. Tuy nhiên các lệnh trừng phạt của Mỹ đã làm giảm đáng kể việc sản xuất dầu thô của Iran kể từ tháng 5 năm ngoái và giảm một nửa lượng xuất khẩu dầu xuống dưới 1 triệu bpd trong năm qua.
Ngoài sự cô lập về kinh tế, Mỹ cũng liên tục gây áp lực chính trị đối với Iran. Trước khi tăng cường sự hiện diện quân sự ở Trung Đông, hồi tuần trước Washington đã có động thái buộc Iran phải ngừng sản xuất uranium ở mức thấp và mở rộng nhà máy điện hạt nhân duy nhất của mình.
Chính quyền Trump cũng chỉ định Lực lượng Vệ binh Cách mạng (IRGC) của Iran là "tổ chức khủng bố nước ngoài" hồi tháng trước - đánh dấu việc lần đầu tiên quân đội một quốc gia bị liệt vào danh sách đen của Mỹ.
Trên thực tế, Iran đã nhiều lần lên án chiến dịch "gây áp lực tối đa" của Mỹ trong năm qua, trong khi nhiều cường quốc là một phần của JCPOA - bao gồm đồng minh của Mỹ là Anh, Pháp và Đức, cùng với Nga và Trung Quốc, chưa có những hành động đấu tranh cụ thể vì lợi ích của mình trước nguy cơ sụp đổ ký kết này.
Quyết định rút khỏi một phần JCPOA được Tổng thống Iran Hassan Rouhani thông báo trên truyền hình nhà nước hôm 8/5 dường như là "điểm sôi" trong căng thẳng lâu nay giữa Washington - Tehran, và cũng có thể là khởi đầu của một cuộc khủng hoảng hạt nhân trong tương lai gần.