Theo đó, SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính có thể gây thành dịch do virus Dengue gây ra với 4 tuýp gây bệnh được ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Do miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu với từng tuýp, cho nên một người có thể mắc bệnh SXH lần thứ 2 hoặc thứ 3 bởi những tuýp virus khác nhau.
Muỗi vằn truyền bệnh SXH đẻ trứng sinh sản chủ yếu ở dụng cụ chứa nước sạch ở trong và xung quanh nhà như bể nước, chum, vại, các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, bát nước kê chạn, lốp xe, vỏ dừa…không đẻ ở ao tù, cống rãnh nước hôi thối. Tuy nhiên, theo ông Phu, qua những đợt kiểm tra công tác phòng chống SXH vẫn phát hiện các ổ lăng quăng, bọ gậy trong nhà dân. Thực tế, trong công tác phòng chống SXH tại một số địa phương còn chưa nhận được sự hợp tác từ phía người dân, nhiều địa phương còn khó khăn về kinh tế.
Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 7 tháng đầu năm 2017, cả nước ghi nhận 58.888 trường hợp mắc SXH, trong đó 17 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2016 số trường hợp nhập viện tăng 9,7%. Song số mắc vẫn tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam (chiếm 64,4%), miền Trung (19,9%). Khu vực miền Bắc tỷ lệ mắc thấp hơn (12,4%) tuy nhiên gần đây có gia tăng trường hợp mắc tại Hà Nội (số mắc tại Hà Nội đứng thứ 3 của cả nước, số mắc trên 100.000 dân đứng thứ 19).
Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân tổng vệ sinh 2 tuần/lần để diệt lăng quăng, bọ gậy; Đậy kín các dụng cụ chứa nước để muỗi không đẻ trứng vào; Ngủ mắc màn, mặc quần áo dài để tránh muối đốt; Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị.