Nước dùng ấm
Các triệu chứng của bệnh cúm bao gồm sốt, tiêu chảy, nôn mửa… nên dẫn tới tình trạng mất nước. Lúc này, cơ thể cần được bổ sung điện giải và nước đầy đủ.
Trong một nghiên cứu, các nhà khoa học đã so sánh tác động của đồ uống nóng và đồ uống ở nhiệt độ phòng, đối với nhóm người đang bị cảm lạnh hoặc cúm, cho thấy: Đồ uống nóng giúp giảm ngay lập tức và lâu dài các triệu chứng sổ mũi, ho, hắt hơi, đau họng, ớn lạnh và mệt mỏi… trong khi cùng loại đồ uống đó ở nhiệt độ phòng, chỉ giúp giảm các triệu chứng sổ mũi, ho và hắt hơi. Do đó, họ kết luận rằng những lợi ích có thể là do chất lỏng nóng thúc đẩy tiết nước bọt và chất nhầy đường thở để bôi trơn và làm dịu đường hô hấp trên.
Theo đó, nước dùng (nước dùng gà, rau hoặc xương) là một lựa chọn tuyệt vời khi bạn bị cúm, vì nó giàu chất dinh dưỡng và tính nóng có thể làm dịu cơn đau họng. Tuy nhiên nên chọn loại có hàm lượng natri thấp, bởi vì khi cơ thể yếu, nếu dùng thực phẩm có hàm lượng natri cao, có thể sẽ làm tăng mệt mỏi hơn.
Súp gà
Súp gà là một 'phương thuốc' tốt cho người bị cảm cúm, cảm lạnh. Một nghiên cứu từ năm 2000 đã chỉ ra các thành phần phổ biến trong súp gà có thể chống lại chứng viêm, giảm phản ứng viêm trong cơ thể. Do đó, súp gà có thể giúp làm thông mũi và đường thở, làm dịu các triệu chứng khác ở đường hô hấp trên. Ngoài ra, súp cũng bổ dưỡng, dễ tiêu hóa, và dễ chế biến ngay cả khi bị ốm.
Hãy chọn những món súp có chứa protein, rau không chứa tinh bột và carbohydrate. Để có một lựa chọn cân bằng, nhanh chóng, hãy cho một ít rau đông lạnh và gà quay xé nhỏ vào nước dùng ít natri. Súp đậu chứa protein và chất xơ, vì vậy chúng cũng là một lựa chọn tuyệt vời.
Tỏi
Tỏi có lịch sử lâu đời được sử dụng cho mục đích y học trong các nền văn hóa trên thế giới. Ví dụ, ở Trung Quốc và Ấn Độ cổ đại, tỏi được sử dụng để điều trị các vấn đề về hô hấp và tiêu hóa, trong khi ở thời Trung cổ, một số người coi nó như một phương thuốc chữa viêm khớp, đau răng, ho mãn tính và côn trùng cắn…
Ngày nay, một số nghiên cứu cho thấy, tỏi có thể hữu ích trong việc giúp chống lại bệnh cúm. Việc bổ sung tỏi có thể tăng cường chức năng tế bào miễn dịch và giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng cúm. Thêm tỏi vào trong các món ăn hoặc có thể dùng tỏi sống.
Trái cây và rau củ tươi giàu vitamin C
Theo Trường Y tế công cộng Harvard TH Cahn, vitamin C là một chất chống oxy hóa mạnh, đóng vai trò quan trọng trong việc chống nhiễm trùng. Một số nghiên cứu cho thấy vitamin C có thể giúp giảm mức độ nghiêm trọng và thời gian kéo dài của bệnh cảm lạnh thông thường, vốn có một số triệu chứng giống với bệnh cúm.
Rau lá xanh
Rau lá xanh cũng chứa nhiều vitamin C, giúp tăng cường miễn dịch, chống viêm. Ví dụ như: Rau bina, bắp cải và cải xoăn… Các loại rau này cũng cung cấp sắt cho cơ thể.
Sắt cần thiết cho việc sản xuất các tế bào miễn dịch, đặc biệt là các tế bào bạch cầu, giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng.
Mật ong
Mật ong là một biện pháp khắc phục tại nhà phổ biến để làm dịu cơn đau họng. Đây là chất làm ngọt tự nhiên có thể giúp chống lại các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp.
Một đánh giá trên tạp chí BMJ Evidence-Based Medicine cho thấy, mật ong có thể hiệu quả hơn trong việc điều trị các triệu chứng của bệnh cảm lạnh và giống cúm so với thuốc không kê đơn.
Đánh giá bao gồm 14 nghiên cứu phân tích gần 1.800 người bị nhiễm trùng đường hô hấp trên được điều trị bằng mật ong hoặc các biện pháp thông thường như thuốc kháng histamin và thuốc giảm ho, các tác giả kết luận rằng, mật ong có vẻ vượt trội trong việc điều trị các triệu chứng của những bệnh nhiễm trùng này.
Mặc dù các nhà nghiên cứu không biết chính xác tại sao mật ong lại giúp giảm các triệu chứng cảm lạnh và cúm, nhưng các nghiên cứu cho thấy nó có đặc tính kháng khuẩn.
Dùng các loại trà
Trà có chứa một nhóm chất chống oxy hóa gọi là polyphenol, được nghiên cứu cho thấy có tác dụng bảo vệ chống lại các bệnh mãn tính.
Trong các nghiên cứu, hoa cúc đã được chứng minh là có đặc tính kháng khuẩn, trà bạc hà có thể giúp làm dịu các triệu chứng tiêu hóa. Trà xanh có chứa một loại polyphenol được gọi là catechin, mà các nghiên cứu cho thấy có thể làm tăng số lượng tế bào T điều hòa, giúp kiểm soát hệ thống miễn dịch.
Mặc dù có nhiều loại trà để lựa chọn, nhưng bạn nên tránh xa bất kỳ loại nào có chứa caffein, chẳng hạn như trà đen, có thể gây mất nước.
Gia vị như gừng và nghệ
Mặc dù nghiên cứu còn hạn chế, nhưng các dữ liệu cho thấy, một số loại gia vị và thảo mộc có thể có lợi khi bạn bị cúm.
Trong các nghiên cứu, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng, chiết xuất gừng có đặc tính kháng khuẩn, trong khi curcumin, một hợp chất tự nhiên trong củ nghệ, có tác dụng chống oxy hóa và chống viêm. Do đó, sẽ rất hữu ích khi thêm các loại gia vị vào trà, súp hoặc các món ăn khác khi bạn bị ốm.
Gừng và curcumin cũng có sẵn ở dạng bổ sung. Theo Trung tâm Quốc gia về Sức khỏe Bổ sung và Tích hợp (NCCIH), việc bổ sung gừng được coi là an toàn nhưng có thể gây ra tác dụng phụ, bao gồm khó chịu ở bụng, ợ chua, tiêu chảy, kích ứng miệng và cổ họng nếu dùng với liều lượng lớn. Những người đang mang thai hoặc cho con bú nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung gừng.
Do hoạt tính chống đông máu, chất bổ sung curcumin có thể gây chảy máu quá nhiều nếu dùng chung với thuốc làm loãng máu như: Aspirin, clopidogrel, warfarin…
Protein nạc
Ngay cả khi chúng ta không bị bệnh, protein vẫn cần thiết để giữ cho cơ thể khỏe mạnh, chống lại các bệnh nhiễm trùng như cúm.
Protein giúp chúng ta duy trì khối lượng cơ nạc, bao gồm cả cơ bắp. Do đó, cần đảm bảo rằng, cơ thể nhận đủ chất đạm khi bị ốm, để ngăn ngừa tình trạng teo cơ, thúc đẩy quá trình lành bệnh và thúc đẩy kiểm soát lượng đường trong máu.
Cúm có thể gây khó chịu cho dạ dày, do đó, người bệnh nên chọn protein nạc, ít chất béo.
Các nguồn protein nạc tốt, ít chất béo, bao gồm thịt gia cầm bỏ da, cá, đậu và đậu phụ…
Sữa chua Hy Lạp
Nghiên cứu cho thấy, cúm có thể đi kèm với một số triệu chứng khó chịu về đường tiêu hóa, chẳng hạn như tiêu chảy, nôn và chế phẩm sinh học có thể hữu ích để khôi phục vi khuẩn lành mạnh sống trong đường ruột và cải thiện sức khỏe tổng thể.
Một số loại thực phẩm tự nhiên có chứa men vi sinh, bao gồm sữa chua, kombucha và tempeh... Probiotics cũng có sẵn ở dạng bổ sung.
Để thêm men vi sinh vào chế độ ăn uống của bạn khi bạn cảm thấy không khỏe, sữa chua Hy Lạp có thể là một lựa chọn. Sữa chua Hy Lạp có lượng protein gấp đôi so với sữa chua thông thường và ít đường hơn, nên tốt hơn cho hệ tiêu hóa. Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), một hộp sữa chua Hy Lạp nguyên chất 150g chưá15g protein, trong khi cùng một lượng sữa chua nguyên chất chứa khoảng 6g protein.
Một số thực phẩm nên tránh khi bị cúm
Bên cạnh những thực phẩm và đồ uống có thể giúp làm giảm các triệu chứng cảm cúm thì một số thực phẩm lại có thể làm bệnh trầm trọng hơn. Vì vậy, khi bị cúm, mọi người nên hạn chế một số loại thực phẩm sau:
- Đồ uống có chứa caffeine có thể làm trầm trọng thêm tình trạng mất nước, nên mọi người không nên uống cà phê, trà đen, soda.
- Đồ uống có cồn như rượu có thể làm suy giảm hệ miễn dịch và làm bạn mất nước nhiều hơn.
- Các sản phẩm làm từ sữa sẽ làm đặc chất nhầy nên khiến tình trạng nghẹt mũi trầm trọng hơn.
- Sản phẩm chế biến sẵn thường chứa nhiều natri và chất béo bão hoà, mà các chất này có thể gây ra tình trạng viêm cơ thể, ảnh hưởng tới quá trình hồi phục khi bị cúm.
Nhìn chung, các thực phẩm trên không mang tính điều trị mà chỉ có tác dụng hỗ trợ làm giảm các triệu chứng và giúp người bệnh nhanh hồi phục. Để điều trị cảm cúm nhanh chóng, các bạn nên kết hợp thêm hướng điều trị từ bác sĩ. Nếu các triệu chứng không thuyên giảm, nên đến bệnh viện để được kiểm tra và có hướng xử lý kịp thời.