Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Một thông điệp mang tính thời sự

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hưởng ứng sự kiện Giờ trái đất năm 2023, lúc 20h30 đến 21h30 ngày 25/3,Hà Nội cùng nhiều địa phương trên cả nước thực hiện tắt đèn chiếu sáng công cộng, đèn quảng cáo tại một số khu vực, tuyến phố, công trình kiến trúc…

Hà Nội vận động DN, đơn vị, người dân cùng tắt đèn tại các gia đình, với thông điệp “Tiết kiệm điện - Thành thói quen”.

Đây là một điểm nhấn quan trọng của kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng sự kiện chiến dịch Giờ Trái đất, tiết kiệm điện năm 2023 do UBND TP ban hành.

Theo kế hoạch, nhiều hoạt động được tổ chức nhằm mục đích nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

Các hoạt động hưởng ứng Giờ Trái đất năm 2023 cũng nhằm kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân tự nguyện tham gia hành động để mang đến sự thay đổi cho môi trường, góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và thực thi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Với thông điệp “Tiết kiệm điện - Thành thói quen”, Kế hoạch cũng nhấn mạnh, qua sự kiện này tiếp tục tập trung sự quan tâm, hưởng ứng tham gia của toàn xã hội và nâng cao trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh doanh điện, cơ sở sử dụng năng lượng trên địa bàn TP thực hiện tiết kiệm điện với hành động tắt đèn và các thiết bị điện khi không cần thiết.

Đây cũng có thể coi là mục tiêu xuyên suốt của sự kiện Giờ Trái đất từ nhiều năm nay.

Kể từ khi được hưởng ứng ở Việt Nam, mỗi năm chương trình hưởng ứng Giờ trái đất luôn được tổ chức với nhiều hoạt động phong phú, mang những thông điệp khác nhau, song điểm nhấn của chuỗi hoạt động bao giờ cũng là sự kiện tắt đèn trong 1 giờ đồng hồ từ 20h30 đến 21h30 ngày thứ Bảy, tuần thứ hai của tháng Ba hằng năm với mục tiêu tiết kiệm điện.

Năm 2009, Việt Nam lần đầu tiên hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất với sự tham gia của 6 địa phương là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hội An, Huế và Nha Trang.

Đến nay, sau 14 năm tổ chức, chiến dịch đã thu hút sự tham gia của 63 tỉnh, TP, tạo chuyển biến tích cực trong cộng đồng về nhận thức ý nghĩa, lợi ích của việc tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Chỉ riêng Giờ Trái đất năm 2022 (từ 20h30 - 21h30 ngày 26/3/2022), cả nước đã tiết kiệm được sản lượng điện là 309.000 kWh.

Cũng cần ghi nhận là với các hoạt động hưởng ứng sự kiện Giờ Trái đất, thói quen tốt tiết kiệm điện, cụ thể là tắt đèn và các thiết bị điện khi không cần thiết đã dần trở thành một nếp đẹp văn hóa của nhiều cá nhân, gia đình, cơ quan, DN, cộng đồng.

Tuy nhiên, cũng cần nói rằng, việc sử dụng điện lãng phí vẫn tồn tại. Nơi cơ quan, công sở, địa điểm công cộng vẫn còn hiện tượng những căn phòng làm việc điện sáng trưng, quạt quay vù vù, máy lạnh chạy ro ro… mà không một người làm việc, thậm chí cả một dãy đèn cao áp sáng trưng giữa ban ngày.

Nhắc lại như vậy cũng để thấy, hình thành và duy trì một thói quen tiết kiệm điện như mục đích xuyên suốt của sự kiện Giờ Trái đất không thể trong một sớm, một chiều.

Và thông điệp “Tiết kiệm điện- Thành thói quen” cũng hướng tới mục tiêu để hành động tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường không chỉ cần thực hiện trong Giờ Trái đất mà phải được thực hiện trong suốt 365 ngày của cả một năm.

Có người đã nói vui: Chỉ một động tác rất nhỏ là tắt điện khi ra khỏi phòng nhiều người tập cả đời không được. Hình thành nét đẹp văn hóa từ hành động nhỏ nhất là như vậy. Và “Tiết kiệm điện - Thành thói quen” vẫn là một thông điệp mang tính thời sự và có ý nghĩa thiết thực.