Một việc làm thiết thực vì dân

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chưa đầy một tháng đầu mùa Hè, Hà Nội và nhiều địa phương phía Bắc và miền Trung đã trải qua hai đợt nắng nóng cao điểm. Trong tuần qua, nhiệt độ trung bình ở Hà Nội luôn ở mức cao.


Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, ngày 29, 30, 31/5 và 1, 2/6 ở Bắc bộ liên tục có nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35 - 37oC, có nơi trên 38oC. Ở Hà Nội có thời điểm nắng nóng gay gắt, nhiệt độ lên đến 39oC, thậm chí những giờ cao điểm nhiệt độ ngoài trời vượt ngưỡng 40oC.

Nắng nóng ảnh hưởng rất lớn tới đời sống của người dân, đặc biệt là sức khỏe của người lao động.

Nhiều cơ quan, DN đã có những biện pháp hỗ trợ cán bộ, công nhân phòng, chống những tác động do nắng nóng gây ra như điều chỉnh thời gian làm việc, bố trí công nhân luân phiên làm việc trong môi trường nóng và độc, trang bị, lắp dựng ô, các tấm bạt để che nắng...

Tuy nhiên, ngoài cán bộ, công nhân viên của các cơ quan, đơn vị, DN được quan tâm thực hiện các biện pháp chống nóng, thì trên địa bàn TP vẫn còn rất nhiều lao động tự do ở khu vực phi chính thức như những người chạy xe ôm, người bán hàng rong, bán vé số… phải vất vả mưu sinh dưới trời nắng nóng của mùa Hè khắc nghiệt.

Trong bối cảnh như vậy, một thông tin tích cực đến với người dân TP, đặc biệt là người lao động làm việc ngoài trời, lao động phi chính thức. Đó là Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội sẽ kích hoạt các điểm trú nóng tại 8 quận: Cầu Giấy, Ba Đình, Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Long Biên và Thanh Xuân.

Các điểm tránh trú nóng được bố trí ở những địa bàn có nhiều lao động làm công việc tự do, thường xuyên phải đi lại dưới nắng Hè gay gắt, bảo đảm thuận lợi cho người dân dừng chân nghỉ ngơi, tránh nắng.

Theo Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội Nguyễn Xuân Hiền, việc thiết lập các điểm trú, tránh nắng cố định hoặc di động là hoạt động quan trọng trong quá trình triển khai dự án "Hỗ trợ tài chính dựa vào dự báo cho nắng nóng" do Hiệp hội Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ quốc tế viện trợ không hoàn lại tại TP Hà Nội năm 2023.

Đây không phải lần đầu tiên Hà Nội thực hiện việc bố trí các điểm chống nắng cho người lao động và người dân nói chung. Thấu hiểu và chia sẻ nỗi vất vả của người lao động, trong mùa Hè các năm 2019, 2020, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp với Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội đã tổ chức điểm tránh nóng dành cho người lao động ngoài trời với sự hỗ trợ của Hội Chữ thập đỏ Đức và Viện Khoa học khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu.

Tại các điểm tránh nóng có lắp đặt hệ thống phun sương, quạt gió công suất lớn, người lao động được thành viên của Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội hỗ trợ khăn ướt, nước uống, hướng dẫn quy trình tránh nóng… Trung bình mỗi điểm trú tránh nắng một ngày thu hút khoảng 300 - 400 người dân.

Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, mô hình này bị gián đoạn.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, mùa Hè 2023 nắng nóng có xu hướng gay gắt hơn hẳn so với những năm trước, gia tăng từ khoảng tháng 5 đến tháng 8, tập trung nhiều tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ.

Số ngày nắng nóng năm 2023 có thể nhiều hơn so với năm 2022. Nhiều khả năng còn xuất hiện những giá trị nhiệt độ cao nhất vượt kỷ lục cũ đã từng được quan trắc.

Như vậy, với việc kích hoạt các điểm tránh nóng tại 8 quận nội thành trong khuôn khổ dự án "Hỗ trợ tài chính dựa vào dự báo cho nắng nóng" do Hiệp hội Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ quốc tế hỗ trợ, một mô hình rất thiết thực, vì người dân tiếp tục được triển khai, tác động tích cực đến đời sống kinh tế - xã hội, làm cho nắng nóng mùa Hè dịu bớt.

Quan trọng hơn, nó làm cho người lao động cảm nhận được sự hỗ trợ, sẻ chia từ cộng đồng thông qua Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội.

Đọc tiếp

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần