Một Việt Nam kiên cường và tự hào
Kinhtedothi - Nhân Kỷ niệm 50 năm Ngày thống nhất đất nước, Báo Kinh tế & Đô thị ghi lại cảm nhận của những người bạn nước ngoài và người Việt Nam tại nước ngoài về dịp đặc biệt này. Trân trọng giới thiệu đến quý độc giả.
Tiến sĩ Mark A. Ashwill - Đồng sáng lập và Giám đốc Điều hành Hệ thống Giáo dục Capstone Education Vietnam: Hà Nội - nguồn cảm hứng về khát vọng hòa bình
Dù có đi bốn phương trời
Lòng vẫn nhớ về Hà Nội
Hà Nội của ta, Thủ đô yêu dấu
Một thời đạn bom, một thời hòa bình... (Nhạc sĩ Hoàng Hiệp)
Tôi đến Hà Nội lần đầu vào năm 1996 với mục đích tổ chức chương trình du học Hè cho sinh viên Mỹ. Cuối năm đó và năm 1997, có hai chương trình phát triển chuyên môn dành cho các lãnh đạo DN Việt Nam, một số người sau đó giữ các vị trí quan trọng trong DN và chính phủ.
Hà Nội giờ là TP nhộn nhịp nhưng vào thời điểm đó khá bình yên. Công cuộc Đổi Mới mang tính lịch sử năm 1986 đã đơm hoa kết trái và Việt Nam đang hòa nhập mạnh mẽ với toàn cầu. Mặc dù lúc đó còn rất nhiều khó khăn song ngay cả khi đó, một cảm giác lạc quan vẫn toát lên từ những người dân kiên cường và chăm chỉ, những người đã sống từng đi qua chiến tranh và vượt qua đói nghèo với đầy quyết tâm và hoài bão. Chính trong những chuyến thăm đầu tiên đó, Hà Nội và Việt Nam có sức hút mạnh mẽ và thay đổi quỹ đạo cuộc đời tôi. Trở về Mỹ, mang theo những ký ức không thể phai mờ về sự nồng hậu, tò mò, cởi mở và khát khao kiến thức, tự hoàn thiện bản thân của người dân, tôi có niềm tin chắc chắn rằng, Hà Nội và Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp của mình. Dù thời điểm đó cả nước vẫn đang trong giai đoạn khó khăn song tôi nhận thấy Việt Nam rất tiềm năng với tương lai tươi sáng.
Văn minh và hiện đại đều phải lưu giữ những giá trị lịch sử. Suốt nhiều năm qua, tôi đã bị quyến rũ bởi vẻ đẹp và nét duyên dáng của Hà Nội nhờ những nỗ lực đáng khen ngợi của TP trong bảo tồn di tích lịch sử, kiến trúc, cải tạo thay vì phá bỏ các biệt thự và tòa nhà từ thời thuộc Pháp. Việc bảo tồn được thực hiện bất cứ khi nào và bất cứ nơi nào có thể. Tôi yêu những con phố rợp bóng và rất ủng hộ những nỗ lực xanh hóa đô thị của TP vì lý do sức khỏe và mỹ quan đô thị. Như số phận sắp đặt, đối với tôi, Hà Nội là nhà trong suốt 20 năm qua, thời gian dài nhất tôi từng sống ở một nơi. Tôi chuyển đến đây vào năm 2005 làm Giám đốc quốc gia của Viện Giáo dục Quốc tế (IIE) tại Việt Nam và bốn năm sau đó đồng sáng lập Capstone Education, công ty tư vấn giáo dục có trụ sở chính tại Hà Nội và chi nhánh tại TP Hồ Chí Minh.
Thế nên tôi rất vinh dự được chứng kiến sự thay đổi của lịch sử, sự phát triển đáng kinh ngạc của Hà Nội, là người tham gia và quan sát câu chuyện thành công đầy cảm hứng đang diễn ra của Thủ đô và đất nước. Kể từ khi được thành lập vào năm 1010 dưới thời nhà Lý với tên gọi Thăng Long, kinh đô Đại Việt, trải qua những biến động của lịch sử, Hà Nội đã bảo tồn được những giá trị văn hóa lâu đời của mình. Hà Nội cũng đã vượt qua được những tác động thảm khốc của chính sách thực dân tàn bạo. Các bậc cao niên sinh vào những năm 1920 và 1930 vẫn nhớ rất rõ nạn đói ở Thủ đô năm 1944 - 1945 đã cướp đi sinh mạng của gần hai triệu người trên cả nước, chiếm tỷ lệ đáng kể dân số thời đó.
Khi sự đô hộ của Pháp kết thúc vào năm 1954 với thất bại ở Điện Biên Phủ, người dân Hà Nội vẫn tiếp tục oằn mình chống chọi với chiến tranh và chỉ được nếm trải hòa bình cho đến năm 1975 khi chiến tranh chống Mỹ kết thúc. Người dân Thủ đô không thể nào quên trận không kích “Điện Biên Phủ trên không” vào Giáng sinh năm 1972, quân đội Mỹ đã trút 20.000 tấn bom xuống Hà Nội và Hải Phòng khiến hơn 1.600 thường dân thiệt mạng, đó là chiến dịch ném bom lớn nhất của Mỹ sử dụng máy bay ném bom hạng nặng B-52 kể từ Thế chiến II.
Để kỷ niệm 50 năm ngày kết thúc chiến tranh chống Mỹ tại Việt Nam, nhờ sự trợ giúp của AI, tôi đã viết bài hát về Hà Nội – “Thành phố vì Hòa bình”, TP của những giấc mơ và niềm tự hào, khái quát cảm nhận của tôi về nơi đặc biệt này.

David Gehrke - Luật sư, Văn phòng luật sư Gehrke, Baker, Doull & Kelly, PLLC, sống tại TP Seattle, Mỹ: Việt Nam kiên định và tự hào
Nhiều năm chìm trong đau thương của chiến tranh nhưng Việt Nam đã kiên cường đứng lên giành tự do và độc lập. John Lennon, thành viên nổi tiếng của ban nhạc huyền thoại Beatles, đã viết "Give Peace a Chance" (Hãy trao cơ hội hòa bình) vào năm 1969. Bài hát ngay lập tức trở thành quốc ca của phong trào phản chiến tại Mỹ. Vào cuối mùa hè năm 1969, khoảng 500.000 người đã tuần hành tại Thủ đô Washington D.C và hàng triệu người khác trên khắp nước Mỹ, bao gồm cả tôi, kêu gọi chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.
Và tôi thấy trong cả chiến tranh và hòa bình, sự kiên cường và quyết tâm sắt đá đã biến Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất thành nền kinh tế đang phát triển với mức thu nhập trung bình. Khát vọng vươn mình, hiện thực hóa qua những kế hoạch 5 năm và sự đoàn kết đã giúp Việt Nam hiện trở thành quốc gia triển vọng toàn cầu. Chính từ thực tế trên Việt Nam khiến tôi tò mò và rất muốn đến thăm đất nước này. Sau nhiều năm tìm hiểu, cuối cùng tôi cũng đến Việt Nam vào năm 2018, trở lại nhiều lần, ăn nhiều cái Tết ở đây và đi khắp mọi miền. Giờ đây, ở tuổi 76, Việt Nam rất thân thương đối với tôi, lúc nào tôi cũng có cảm giác ấm áp như ở nhà với những người bạn thân thiết trên khắp dải đất hình chữ S, từ Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh đến Đồng bằng sông Cửu Long. Cảm nhận về con người Việt Nam trong tôi là vô cùng mến khách và chăm chỉ.
Tháng 4 là dịp đặc biệt khi chào đón lễ kỷ niệm ngày thống nhất đất nước. Để hòa cùng người dân Việt Nam trong dịp đặc biệt này, mới đây tôi đã đến thăm Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh ở Quận 3, TP Hồ Chí Minh. Bất cứ khi nào đến Việt Nam, tôi đều mang theo chiếc áo phông in hình John Lennon, cách riêng để tôi kỷ niệm hòa bình và sự kiên cường, quyết tâm của người Việt Nam trong cả thời chiến và thời bình. Sự đoàn kết, thành tựu kinh tế đáng nể và tinh thần vươn lên mạnh mẽ như thể hiện lòng biết ơn và tôn vinh những người đã khuất và vì tương lai đất nước.

Trần Phương Linh (Paulina Tran) - Chuyên viên Marketing thời trang, làm việc tại Vương quốc Anh: Lan tỏa hình ảnh Việt Nam giữa bạn bè quốc tế
Làm việc trong ngành thời trang tại một trung tâm toàn cầu như London, tôi được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau, nhưng cũng từ đó mà thấm thía hơn bản sắc riêng của mình. Từ khi còn nhỏ sống ở Việt Nam, tôi đã được học về lịch sử dân tộc và luôn ghi nhớ ngày 30/4 như một mốc son thiêng liêng. Trong tâm trí tôi, đây là ngày được khắc sâu bằng niềm tự hào và hạnh phúc, một ngày mà cả đất nước cùng hướng về quá khứ để biết trân trọng hiện tại.
Gần đến dịp này mỗi năm, dù sống xa quê, tôi vẫn cảm thấy như được trở lại với những ký ức tuổi thơ, nơi có những buổi lễ chào cờ trang nghiêm, những bài học lịch sử đầy xúc động. Ngày 30/4 không chỉ nhắc tôi nhớ đến một chiến thắng hào hùng, mà còn khơi dậy một khát vọng hòa hợp và phát triển. Đó cũng là điều mà người trẻ Việt ở nước ngoài như tôi luôn mong muốn được góp sức. Tôi nhớ rõ cảm giác lần đầu kể với đồng nghiệp người Anh về ngày này. Họ bất ngờ khi biết sau chiến tranh, Việt Nam đã từng bước vươn lên và hôm nay đã là một quốc gia năng động, sáng tạo và đầy tiềm năng. Điều đó khiến tôi càng thấy rõ hơn trách nhiệm của mình. Tôi phải sống xứng đáng với di sản ấy, và lan tỏa hình ảnh một Việt Nam hiện đại, kiên cường đến với thế giới.
Tôi hy vọng trong tương lai sẽ có cơ hội quay về, đóng góp vào những dự án sáng tạo tại quê hương, nơi mà truyền thống và hiện đại có thể cùng hòa quyện để viết tiếp câu chuyện của dân tộc bằng một ngôn ngữ gần gũi với thế hệ mới.

Nguyễn Kim Khánh (sinh năm 1999), du học sinh tại Pháp: Tự hào là người Việt Nam - dù ở đâu, tim vẫn hướng về Tổ quốc
Tháng Tư năm nay với tôi thật đặc biệt. 2025 đánh dấu tròn 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025) – một dấu mốc mà dù thuộc thế hệ sinh sau chiến tranh, tôi vẫn cảm nhận được sự thiêng liêng và tự hào trong từng nhịp đập con tim. Là một du học sinh đang học ngành du lịch ở Pháp, tôi cách Việt Nam nửa vòng trái đất. Nhưng mỗi lần mở điện thoại hay bật tivi lên, nhìn thấy hình ảnh cờ đỏ sao vàng tung bay, những thước phim tư liệu, các buổi lễ kỷ niệm, hay chỉ đơn giản là một đoạn nhạc vang lên… tim tôi như nghẹn lại vì xúc động.
Tôi nhớ như in những câu chuyện của các cụ lão thành cách mạng. Từ những lời kể mộc mạc ấy, tôi hình dung được ngày 30/4/1975 như một thước phim sống động: sáng hôm đó nắng vàng rực rỡ, cả xóm chuyền tai nhau tin “bộ đội vào tới trung tâm Sài Gòn rồi!”. Người dân ùa ra đường, có người đem lá cờ đỏ sao vàng đã giấu kín bao năm ra phất cao giữa phố. Họ reo hò “Hòa bình rồi!”, “Thống nhất rồi!”. Có người ôm nhau khóc, có người nghẹn ngào không nói nên lời. Không khí lúc đó, như lời ông kể, “vừa xúc động, vừa như mơ”.
Là sinh viên ngành du lịch, tôi càng thấy rõ giá trị của mỗi di tích, mỗi câu chuyện lịch sử. Tôi ước mong sau này khi trở về Việt Nam, có thể góp phần đưa những câu chuyện ấy đến gần hơn với bạn bè quốc tế – để họ không chỉ biết Việt Nam qua phong cảnh đẹp, mà còn cảm nhận được tinh thần dân tộc mạnh mẽ trong mỗi người Việt. Ở xa, tôi vẫn luôn thấy mình gần quê hương. Qua những dòng tin, lời kể, bản nhạc vang lên từ quê nhà… trái tim tôi lúc nào cũng hướng về Việt Nam – nơi có lịch sử hào hùng, có gia đình chờ đón, và có một niềm tự hào chưa bao giờ nguôi.
Dù đang ở Pháp, tôi vẫn luôn tin rằng: chỉ cần còn yêu nước, thì khoảng cách sẽ chẳng bao giờ là rào cản. Tôi tự hào là người Việt Nam.
Bùi Đức Thuận (Thomas Bui) - sinh sống và làm việc tại Italy: Hãnh diện với truyền thống hào hùng
Sống xa quê hương, tôi dần học được cách yêu Tổ quốc một cách lặng thầm nhưng sâu sắc hơn. Mỗi dịp lễ lớn như 30/4, khi không khí trong nước trở nên sôi động, tràn ngập hình ảnh cờ đỏ sao vàng, những bài hát truyền thống và các hoạt động tưởng niệm, tôi lại cảm thấy một sợi dây vô hình gắn kết mình với đất mẹ.
Tôi từng sang Italy để học tiếng, sau đó bén duyên với công việc mẫu ảnh. Dù chưa có cơ hội bước lên những sàn diễn lớn, tôi vẫn luôn ý thức rằng mỗi lần xuất hiện trước ống kính là một lần đại diện cho hình ảnh người Việt. Có thể tôi khoác lên mình một bộ âu phục, đứng giữa bối cảnh hiện đại phương Tây, nhưng trong thần thái, trong ánh mắt, tôi luôn cố gắng thể hiện khí chất lịch thiệp, sự thân thiện và tinh thần hòa hiếu của người Việt Nam. Đó là cách tôi mang theo quê hương bên mình, kể cả khi ở giữa Milan.
Đáng mừng là hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè châu Âu đang ngày một khác đi. Không còn là đất nước nghèo khó, lam lũ như họ từng hình dung, mà là một quốc gia đang vươn lên mạnh mẽ với sự tự tin, đổi mới và giàu bản sắc. Điều ấy không chỉ khiến tôi tự hào mà còn thôi thúc tôi phải sống có trách nhiệm hơn. Tôi tin rằng, người trẻ Việt Nam ở nước ngoài không chỉ là công dân toàn cầu, mà còn là sứ giả của đất nước.
Chúng tôi có thể không làm những điều to tát, nhưng từ việc sống tốt, làm việc tử tế, tôn trọng văn hóa mình và lan tỏa nó trong môi trường quốc tế, đó đã là một đóng góp quý giá. Với tôi, ngày 30/4 không chỉ là ký ức lịch sử, mà là lời nhắc mỗi năm rằng tôi đến từ một dân tộc kiên cường, và điều đó đáng để tự hào suốt đời.


Podcast Tản văn: Tự hào về một Việt Nam hùng cường
Kinhtedothi - Chiến thắng 30/4/1975 là một trang sử vàng, là niềm tự hào mà mỗi người dân Việt Nam không bao giờ quên. Và dù thời gian có trôi qua bao lâu đi nữa, hào khí của ngày đại thắng vẫn luôn vang vọng, nhắc nhở chúng ta về giá trị của độc lập, của hòa bình và của tình yêu quê hương, đất nước.

Tri ân quá khứ, kiến tạo tương lai: Khát vọng Việt Nam trong kỷ nguyên mới
Kinhtedothi - Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025) là dịp để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta cùng nhìn lại một chặng đường lịch sử hào hùng, trân trọng những giá trị thiêng liêng của độc lập, thống nhất và khát vọng phát triển dân tộc.

Hai Thủ tướng Việt Nam-Nhật Bản thưởng thức cà phê, tham quan Bảo tàng Lịch sử
Sáng 29/4, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru và Phu nhân ăn sáng, thưởng thức hương vị cà phê Việt Nam và tham quan Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.