Mua- bán bằng lái xe giả vẫn sôi động: Chế tài xử phạt chưa đủ mạnh

Minh Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không khó để có thể kiếm một địa chỉ để mua bằng lái xe trên mạng, chỉ cần gõ từ khóa và… cả một loạt các trang web nhanh chóng hiện ra với đủ các lời mời hấp dẫn. Thậm chí các trang này còn công khai thể hiện rõ “làm bằng lái xe giả”.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Truy cập nhanh vào một số trang làm bằng lái xe giả, theo kết quả tìm kiếm trên google, nhiều trang ghi ngay trên tiêu đề “Làm bằng lái xe giả, bằng lái xe ô tô, xe máy giả” một số trang web dạng này còn giải thích rõ ràng: “Làm bằng lái xe là dịch vụ làm bằng dựa theo các loại bằng lái xe thật. Có đầy đủ thông tin và được áp dụng công nghệ làm bằng lái xe giả mới nhất để tạo phôi bằng lái xe đúng nhất”.

Cũng theo các đối tượng làm giả cho biết, giá làm bằng lái B2, C, D, E… chỉ từ 3 triệu, còn xe máy A1, A2 chỉ 2 triệu. Thời gian tối đa 3 ngày để có thể gửi tới tận nhà. Họ còn khẳng định, nếu muốn họ có thể làm được cả bằng lái xe có hồ sơ gốc mà không cần học hay thi. “Thủ tục thì đơn giản, chỉ cần 2 ảnh 3x4, chứng minh Nhân dân hoặc căn cước công dân để lấy thông tin chính xác và địa chỉ nhận bằng”. Ngoài ra, để “phục vụ” tối ưu cho khách hàng, các đối tượng này còn giới thiệu về dịch vụ… thi hộ bằng lái.

Không chỉ giấy phép lái xe (GPLX) ô tô, GPLX xe máy cũng bán hết sức rộn ràng trên nhiều trang mạng xã hội. Giá cả cho mỗi chiếc bằng lái này hết sức đa dạng, có nơi chỉ vài trăm nghìn đồng, nơi thì cả triệu đồng. Còn về độ tin cậy sử dụng bằng này khi tham gia giao thông thì: “Với giá thế này thì chỉ được phôi thật thôi, còn bằng thì giả. Tức là khi bị công an kiểm tra sẽ khó phát hiện được, nhưng khi gây ra tai nạn hoặc có vấn đề gì pháp lý, họ kiểm tra thì không có hồ sơ gốc” – một người rao “bán” bằng lái xe giả cho biết.

Phòng CSGT - CA TP Hà Nội cho biết, bằng nghiệp vụ, kinh nghiệm, lực lượng CSGT không khó để phát hiện ra đâu là GPLX giả mặc dù chúng được làm khá tinh vi. Tuy nhiên vẫn không ít người chỉ để đối phó với lực lượng CSGT vẫn không ngại ngần sử dụng những tấm bằng giả.

Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Tiến Hùng – Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho biết theo quy định tại Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, các cơ quan có thẩm quyền cấp GPLX bao gồm: Tổng cục Đường bộ Việt Nam và sở GTVT các địa phương. “Việc làm giả và sử dụng bằng lái xe giả đều có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.

Cùng với đó, đối với người có hành vi bán GPLX giả qua hình thức trực tiếp hoặc trung gian cũng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tương tự như hành vi làm giả bằng lái xe hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức với vai trò là đồng phạm giúp sức”- luật sư Hùng cho biết.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người có hành vi sử dụng GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền căn cứ vào loại phương tiện mà họ điều khiển. Trong đó, đối với xe mô tô, người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 4.000.000 đồng (tùy từng loại xe). Đối với xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô khác sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng.

Bên cạnh đó, người điều khiển phương tiện còn bị tịch thu GPLX giả theo quy định tại khoản 9 Điều 21 Nghị định trên. Việc làm giả hoặc sử dụng bằng lái xe giả để thực hiện hành vi trái pháp luật thì người thực hiện hành vi còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 về “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” với mức phạt tù cao nhất lên đến 7 năm và bị phạt tiền từ 5 – 50 triệu đồng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần