Tâm lý thận trọng bao trùm thị trường
Bất chấp một loạt các hỗ trợ về chính sách từ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, thị trường chứng khoán tháng 4 và nửa đầu tháng 5 vẫn diễn biến thiếu tích cực.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định giãn nợ, không chuyển nhóm nợ xấu, và cho phép các ngân hàng thương mại mua lại trái phiếu DN không niêm yết, thay đổi hệ số rủi ro với vay mua nhà ở xã hội. Về yếu tố vĩ mô, giảm lãi suất điều hành, tỷ giá ổn định cũng có tác dụng hỗ trợ thị trường.
Tuy nhiên, tâm lý thận trọng vẫn bao trùm khi mà chặng đường phía trước vẫn còn nhiều biến số khó lường như triển vọng tăng trưởng lợi nhuận DN niêm yết hay hệ lụy từ quá trình tăng lãi suất gấp rút của các ngân hàng T.Ư lớn trong hơn một năm qua (suy thoái kinh tế, sự đổ vỡ ngân hàng).
Theo SSI Research, việc thị trường điều chỉnh nhưng không quá mạnh trong tháng 4 do triển vọng lợi nhuận quý 1 không khả quan đã nằm trong dự đoán.
Tính đến ngày 9/5/2023, tăng trưởng lợi nhuận chung trên sàn giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) được công bố giảm 18% và giảm 32% so với cùng kỳ nếu không tính đóng góp của nhóm ngân hàng.
Khi lợi nhuận đi xuống mạnh ở các nhóm thực phẩm đồ uống, xây dựng và vật liệu xây dựng, tài nguyên cơ bản, hóa chất, bán lẻ, dịch vụ tài chính ngoài việc do cơ sở so sánh cao trong cùng kỳ còn phản ánh khó khăn của các DN niêm yết trong bối cảnh kinh tế có những thách thức và mặt bằng lãi suất vẫn ở mức cao.
Cổ phiếu nào hưởng lợi sau Quy hoạch điện VIII?
Một diễn biến đáng chú ý trong tháng 5 là việc Chính phủ ký ban hành Quy hoạch điện VIII. Sau khi quy hoạch điện VIII được phê duyệt, sự chú ý ở thị trường tập trung về nhóm ngành điện.
Một số cổ phiếu ngành điện có phản ứng tích cực sau khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt. Phiên 16/5, LCG tăng 2%, ASM tăng 1,9%, POW tăng 1,5%, HDG tăng 1,2%, REE, PC1... cùng tăng giá.
Theo đánh giá của Chứng khoán KBSV, dự thảo Quy hoạch điện VIII đưa ra lộ trình cắt giảm mạnh mẽ điện than hướng tới mục tiêu giảm phát thải.
Vì vậy, mặc dù trong ngắn hạn, điện than vẫn sẽ chiếm tỷ trọng chính trong cơ cấu nguồn phát nhưng trong dài hạn triển vọng sẽ bị ảnh hưởng do không còn được phát triển và vấp phải sự cạnh tranh của nhiều nhóm nguồn phát khác.
Các nguồn điện khí sẽ là mũi nhọn phát triển trong giai đoạn 2022 - 2035. Khi Quy hoạch điện VIII được thông qua, giai đoạn sắp tới sẽ chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của hàng loạt dự án điện khí.
POW sẽ hưởng lợi với dự án điện khí LNG Nhơn Trạch 3&4 đi tiên phong và dự án LNG Quảng Ninh. Ngoài ra, PVGas sẽ là bên phân phối khí đầu vào cho các nhà máy nhiệt điện trong nước.
Điện gió là điểm nhấn chính trong nhóm năng lượng tái tạo, sẽ chiếm tỷ trọng lớn trong giai đoạn 2023 - 2050, đặc biệt là sau năm 2030. Dự kiến điện gió sẽ chiếm khoảng 18% tổng công suất hệ thống trong năm 2030 và tăng lên tỷ trọng cao nhất 29,4% vào năm 2050.
Điện gió sẽ là lĩnh vực hấp dẫn trong đầu tư ngành điện khi có định hướng rõ từ Chính phủ và chi phí đầu tư giảm.
Những DN có tiềm lực tài chính và kinh nghiệm trong việc phát triển và vận hành các dự án năng lượng tái tạo sẽ có lợi thế trong việc đấu thầu nhờ quản lý hiệu quả, tiết kiệm chi phí nhờ huy động được các nguồn vốn lớn với chi phí rẻ. Một số DN hàng đầu trong ngành với nhiều tiềm năng có thể kể đến là PC1, REE, GEG, HDG...
Ngoài ra, khi các vướng mắc về chính sách được giải quyết, PC1 có thể là DN hưởng lợi trước khi các gói thầu xây lắp điện, xây lắp đường dây và trạm biến áp tăng cao nhờ đầu tư vào các dự án điện được thúc đẩy.
Nhóm phân tích của Chứng khoán HSC nhận định, người hưởng lợi chính trong Quy hoạch Điện VIII là PC1 - DN có ngành kinh doanh chính là xây dựng điện bên cạnh việc sản xuất điện và sản xuất công nghiệp. Do đó, HSC khuyến nghị mua thêm PC1.
POW cũng sẽ được hưởng lợi với NT3 & NT4 của mình, GEG và REE với các nguồn tái tạo có lẽ không do giá cả cho điện gió hiện không có lợi nhuận như chúng ta không mong đợi giá cả cho điện gió sẽ được cải thiện vào năm 2023 - 2024. Còn PGV đang triển khai dự án Long Sơn (35% cổ phần) nên tâm lý sẽ tốt nhưng phải chờ EVN thoái vốn trước. Các công trình điện khác như TV2 cũng sẽ được hưởng lợi từ Quy hoạch Điện VIII.
Kinh tế dần chạm đáy khó khăn, thị trường dần tìm lại điểm cân bằng
Điểm sáng trong thời gian tới là kỳ vọng về khả năng hồi phục nhanh hơn của nền kinh tế trong bối cảnh Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã vừa liên tục đưa ra các chính sách hỗ trợ và lãi suất giảm mạnh và sớm hơn các dự đoán.
Kỳ vọng này sẽ kích hoạt sự tham gia trở lại dần dần của nhóm nhà đầu tư cá nhân trên thị trường, giảm bớt áp lực bán ròng từ khối ngoại.
SSI Research cho rằng, do thị trường chứng khoán thường nhìn nhiều hơn vào tương lai, khi nền kinh tế đang dần chạm đáy khó khăn, thị trường sẽ dần tìm điểm cân bằng và hình thành rõ nét hơn các cơ hội đầu tư dài hạn. Trong thời gian tới, bất kỳ điều chỉnh lớn nào trên thị trường sẽ là cơ hội để dòng tiền các quỹ đầu tư đảo chiều.
Theo giới phân tích, khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh và đại hội cổ đông đi qua, không thấy có động lực mạnh mẽ đến hết tháng 5.
Tuy nhiên, chính sách tiền tệ nới lỏng hiện tại vẫn là một điểm tựa vững chắc, với dư địa để Ngân hàng Nhà nước thực hiện thêm một đợt giảm lãi suất điều hành nữa là khả thi khi lạm phát vẫn đang thấp, tỷ giá được kỳ vọng tiếp tục ổn định do Fed khả năng cao đã thực hiện lần tăng lãi suất cuối cùng của mình và thặng dư thương mại được duy trì, tăng trưởng GDP Q1-2023 thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng cả năm.
Theo góc nhìn kỹ thuật, báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI đánh giá, thị trường vẫn sẽ tiếp tục dao động rung lắc trong biên độ từ cận trên 1060 -1070 đến cận dưới 1017 - 1020. Trong quá trình đi ngang của thị trường ở chu kỳ tháng 5, sẽ có những nhịp rung lắc mạnh và đây là cơ hội để nhà đầu tư tích lũy dần cổ phiếu khi chỉ số VN-Nndex tiệm cận vùng biên dưới 1020; đồng thời, gia tăng tỷ trọng danh mục những cổ phiếu tốt, có nền tích lũy chắc chắn trên vùng hỗ trợ của chính cổ phiếu đó hoặc áp lực giảm nhẹ hơn so với thị trường.
Xu hướng giảm tốc trong tăng trưởng lợi nhuận tiếp diễn trong quý II/2023. Lợi nhuận sau thuế của 365/404 DN niêm yết trên HOSE quý I/2023. Diễn biến kém khả quan cùng với thực tế rằng thị trường đã trải qua một quá trình tăng điểm từ đầu năm khiến mức định giá bị đẩy lên tương ứng, rõ rệt nhất đối với nhóm vốn hóa vừa và nhỏ. Yếu tố cơ bản này dường như đã khiến tâm lý giao dịch trên thị trường trở nên thận trọng hơn.
Báo cáo Chiến lược thị trường tháng 5 của Công ty Chứng khoán Rồng Việt