Câu hỏi
Xin hỏi luật sư, tôi có mua đất bằng giấy viết tay nhưng bây giờ người ta viết tay bán cho người khác thì phải làm thế nào?
Trả lời
Chuyển nhượng quyền sử dụng đất bằng giấy viết tay tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người mua, không đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ).
Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất bằng giấy viết tay có hiệu lực không?
Theo thông tin bạn cung cấp, cùng một thửa đất nhưng lại có nhiều hợp đồng chuyển nhượng viết tay. Trường hợp này thuộc tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Kể từ ngày 1/8/2024, khi Luật Đất Đai 2024 có hiệu lực, các giao dịch bằng giấy tờ viết tay không được công nhận khi làm thủ tục cấp sổ đỏ lần đầu. Điều kiện để được thực hiện các quyền của người sử dụng đất là cần có sổ đỏ và giao dịch về quyền sử dụng đất phải được công chứng, chứng thực.
Đối với tranh chấp đất đai, các bên có thể tự hoà giải tranh chấp đất đai thông qua tự thoả thuận, bàn bạc tự nguyện, tôn trọng lợi ích của nhau. Nếu không tự hoà giải được thì đương sự có quyền nộp đơn lên UBND cấp xã để hoà giải tranh chấp đất đai.
Sau khi nhận được đơn, UBND cấp xã tổ chức hoà giải tranh chấp hoà giải. Thủ tục hoà giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày kể từ ngày nhận được đơn.
Trường hợp đã được hoà giải nhưng không thành thì đương sự có quyền nộp đơn giải quyết tranh chấp đất đai thông qua Toà án. Theo quy định tại Điều 186 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quyền khởi kiện vụ án như sau:“Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là khởi kiện) tại Toà án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.”
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo - Giám đốc Công ty Luật TNHH Đức An
Câu hỏi bạn đọc xin gửi về địa chỉ: Báo Kinh tế & Đô thị, số 21 Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, Hà Nội; Email: bandoc@ktdt.com.vn