Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mua đất sổ đỏ chỉ đứng tên người vợ có vướng về pháp lý?

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Câu hỏi

Tôi đang tìm hiểu một mảnh đất, trên bìa sổ đỏ chỉ đứng tên người vợ (nhưng tôi nghe nói 2 vợ chồng nhà đó đang chuẩn bị ly hôn). Vậy nếu tôi mua mảnh đất này thì liệu có vướng gì về mặt pháp lý sau này không?

Trả lời

Theo Điều 43 Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định “Tài sản riêng của vợ, chồng”:

1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.

2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.”

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên vợ thì cần xem xét và hỏi thêm thông tin là tài sản riêng hay tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Nếu vợ không chứng minh được nó là tài sản riêng thì khi bán tài sản cần có sự đồng ý của người chồng, vì nó được coi là tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân của vợ chồng. Khi ký công chứng nếu tài sản trong thời kỳ hôn nhân đứng tên một người lúc chuyển nhượng vẫn cần 2 vợ chồng cùng ký.

Luật Hôn nhân gia đình 2014 tại Điều 34 “Đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản chung”:

1. Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng phải ghi tên cả hai vợ chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.

2. Trong trường hợp giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản chỉ ghi tên một bên vợ hoặc chồng thì giao dịch liên quan đến tài sản này được thực hiện theo quy định tại Điều 26 của Luật này; nếu có tranh chấp về tài sản đó thì được giải quyết theo quy định tại khoản 3 Điều 33 của Luật này.

Luật Hôn nhân gia đình 2014 tại Điều 26 “Đại diện giữa vợ và chồng trong trường hợp giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với tài sản chung nhưng chỉ ghi tên vợ hoặc chồng”:

1. Việc đại diện giữa vợ và chồng trong việc xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch liên quan đến tài sản chung có giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản chỉ ghi tên vợ hoặc chồng được thực hiện theo quy định tại Điều 24 và Điều 25 của Luật này.

2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng có tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản tự mình xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch với người thứ ba trái với quy định về đại diện giữa vợ và chồng của Luật này thì giao dịch đó vô hiệu, trừ trường hợp theo quy định của pháp luật mà người thứ ba ngay tình được bảo vệ quyền lợi.

Căn cứ quy định trên, nếu trường hợp vợ hoặc chồng có tên trên sổ đỏ, thực hiện và chấm dứt giao dịch với người thứ ba trái với quy định về đại diện giữa vợ và chồng thì giao dịch đó vô hiệu. Bạn căn cứ để áp dụng thực hiện.

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo - Giám đốc Công ty Luật TNHH Đức An

Câu hỏi bạn đọc xin gửi về địa chỉ: Báo Kinh tế & Đô thị, số 21 Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, Hà Nội; Email: bandoc@ktdt.com.vn