Mùa giải Nobel 2013: Không nhiều bất ngờ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 11/10, Ủy ban Nobel Na Uy cho biết, Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW) đã đánh bại 258 đối thủ khác để giành giải Nobel hòa bình 2013 vì "những nỗ lực to lớn để loại trừ vũ khí hóa học".

Trước đó, hôm 7/10, mùa giải Nobel 2013 đã khai màn một cách đầy thú vị khi danh tính của chủ nhân giải Nobel Y học được công bố.

 
Do khủng hoảng kinh tế nên chủ nhân của các giải Nobel 2013 sẽ chỉ nhận được số tiền thưởng tương đương 1,2 triệu USD tại một buổi lễ ở TP Stockholm, Thụy Điển vào ngày 10/12.
Theo đại diện của Ủy ban Nobel Na Uy, "những sự kiện gần đây ở Syria, nơi mà vũ khí hóa học đã một lần nữa được đưa vào sử dụng, đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường các nỗ lực để loại bỏ các loại vũ khí như vậy". Kể từ khi được thành lập năm 1997 tại Hague (Hà Lan) để thực thi Công ước vũ khí hóa học, OPCW vẫn được coi là một tổ chức quốc tế có quy mô và vai trò khá khiêm tốn trên chính trường thế giới. Tuy nhiên, sau khi Nghị quyết của Liên Hợp quốc quyết định kho vũ khí hóa học của OPCW phải được giải trừ hoàn toàn vào giữa năm 2014, OPCW đã nắm giữ một vị trí trung tâm trong các nỗ lực của cộng đồng quốc tế liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Syria. Cùng với việc Liên minh châu Âu đoạt giải năm 2012, OPCW là tổ chức thứ hai liên tiếp được Ủy ban Nobel trao giải thưởng vì những hoạt động mang tính hòa giải và hội nhập ở châu Âu.
 
Đại diện của OPCW cho biết sẽ nỗ lực hơn nữa để hoàn thành nhiệm vụ được Liên Hợp quốc giao.      Ảnh: AP
Đại diện của OPCW cho biết sẽ nỗ lực hơn nữa để hoàn thành nhiệm vụ được Liên Hợp quốc giao. Ảnh: AP
Trước khi giải thưởng Nobel Hòa bình được công bố, mọi sự chú ý đổ dồn vào giải Nobel Văn học và bất ngờ đã xảy ra khi Viện Hàn lâm Thụy Điển đã từ bỏ "truyền thống" chỉ tôn vinh các tác giả chuyên viết tiểu thuyết. Theo đó, giải thưởng danh giá nhất của văn học thế giới đã thuộc về nữ văn sĩ người Canada Alice Munro - bậc thầy của truyện ngắn đương đại. Nhờ cách xây dựng các chi tiết, tuyến nhân vật tài tình và đưa ra những kết thúc khó đoán, nữ nhà văn đã 3 lần đoạt giải Governor General của Canada, giải Man Booker 2009 cùng nhiều giải thưởng văn chương khác. Đặc biệt, việc nữ nhà văn Alice Munro được vinh danh, đồng nghĩa với tiểu thuyết gia nổi tiếng của Nhật Bản Haruki Murakami tiếp tục "vô duyên" với giải thưởng văn học uy tín này dù đã nhiều lần là ứng cử viên nặng ký.

 

Liên quan đến giải Nobel Vật lý, Peter Higgs (Anh) và Francois Englert (Bỉ) là cha đẻ của công trình nghiên cứu về lý thuyết hạt Higgs. Hạt Higgs còn được gọi là "hạt của Chúa" vì tầm quan trọng của nó trong vụ nổ Big Bang cách đây 13,7 tỷ năm. Trước đó, giải Nobel Y học đã thuộc về hai nhà khoa học Mỹ James Rothman và Randy Schekman, cùng nhà khoa học người Đức Thomas Suedhof, với nghiên cứu mang tính đột phá về cách thức tế bào tổ chức hệ thống vận chuyển. Phát hiện của ba nhà khoa học có ý nghĩa rất lớn cho việc điều trị các bệnh thần kinh và hệ miễn dịch.

 

Rõ ràng, mùa giải năm nay không có quá nhiều bất ngờ khi chủ nhân của các giải quan trọng như Hóa học, Y tế, Vật lý đều đã được dự đoán từ trước nhờ những đóng góp quan trọng của các công trình nghiên cứu này trong cả nghiên cứu lẫn thực tiễn.