Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mưa lũ gây thiệt hại nặng nề tại các tỉnh miền Bắc

Tùng Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày qua, mưa lũ kéo dài đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản tại nhiều tỉnh khu vực phía Bắc. Các bộ ngành, địa phương đang tập trung chỉ đạo ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ.

Mưa lớn gây sạt lở đất tại nhiều tỉnh miền Bắc.
Mưa lớn gây sạt lở đất tại nhiều tỉnh miền Bắc.

Thiệt hại nặng nề do mưa lũ

Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang, tính đến ngày 27/8, mưa lũ trên địa bàn tỉnh đã khiến một người tử vong, hai người bị thương, 18 ngôi nhà bị hư hỏng và ảnh hưởng.

Tình trạng sạt lở cũng đã xảy ra tại một điểm trên Quốc lộ 2, đoạn K210+600, cùng với một số điểm trên các tuyến đường liên thôn và liên xã thuộc huyện Bắc Quang.

Tại huyện Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên), mưa lũ đã cuốn trôi một người dân khi đi làm qua cầu tràn Làng Vẹ (xã Định Biên). Sau gần 13 giờ nỗ lực tìm kiếm, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể nạn nhân.

Tại tỉnh Điện Biên, địa bàn tỉnh có mưa lớn đã khiến 34 ngôi nhà bị hư hỏng, ảnh hưởng hơn 15ha sản xuất nông nghiệp. Sạt lở 13 vị trí giao thông, gây gián đoạn đến đời sống và sinh hoạt của người dân.

Cũng theo thống kê chưa đầy đủ, tỉnh Cao Bằng có hơn 400 ngôi nhà bị ngập lụt, trong đó một ngôi nhà bị sập đổ hoàn toàn do sạt lở đất. Nhiều tuyến đường ở các huyện: Hòa An, Hà Quảng, Trùng Khánh, Quảng Hòa, Thạch An và TP Cao Bằng bị sạt lở, gây ách tắc giao thông.

Mưa lớn kéo dài trong những ngày qua tại tỉnh Lai Châu cũng đã làm sạt lở nhiều đoạn trên các tuyến giao thông huyết mạch gồm các Quốc lộ 279, 4D, 4H, 12; các tuyến tỉnh lộ 127, 128, 129 và hàng loạt đường giao thông liên thôn bản. Tình trạng kéo dài gây ách tắc giao thông cục bộ; ảnh hưởng đến cuộc sống và đi lại của người dân.

Ngập lụt có thể gia tăng tại nhiều địa phương nếu mưa lớn tiếp diễn.
Ngập lụt có thể gia tăng tại nhiều địa phương nếu mưa lớn tiếp diễn.

Lên phương án chủ động sơ tán người dân

Trước thiệt hại lớn do mưa lũ, các địa phương đã huy động lực lượng hỗ trợ người dân di chuyển tài sản từ vùng úng ngập, có nguy cơ cao sạt lở đến nơi an toàn; cắm biển cảnh báo, cử người canh gác, hướng dẫn, phân luồng giao thông tại những vị trí bị sạt lở.

Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) Phạm Đức Luận cho biết, chủ động ứng phó  mưa lớn diễn biến phức tạp, Bộ NN&PTNT đã gửi công văn đề nghị các các sở, ngành, địa phương theo dõi sát sao các bản tin dự báo và cảnh báo về mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; thông báo kịp thời và đầy đủ cho chính quyền các cấp và người dân để chủ động phòng tránh, ứng phó và giảm thiểu thiệt hại.

Song song với việc khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra, các địa phương cũng phải triển khai lực lượng xung kích để kiểm tra và rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng có nguy cơ cao về ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất. Đồng thời, chủ động khơi thông dòng chảy, tổ chức di dời và sơ tán người dân ở những khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Văn Quyến, trước diễn biến thiên tai khó lường, Sở đang tiếp tục chỉ đạo các địa phương ven sông tập trung triển khai lực lượng xung kích để kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực trũng, thấp và có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.

Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đề nghị các địa phương bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn; các đơn vị bố trí lực lượng thường trực để sẵn sàng phương án phòng chống lũ, đảm bảo an toàn đê điều theo cấp báo động.  

 

Theo Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội, chiều 24/8 trên địa bàn TP Hà Nội có mưa lớn kèm sấm sét dữ dội. Sét đã đánh trúng 4 học sinh đi đá bóng ở xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất), khiến một em tử vong.