Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mua trái phiếu DN: Nhà đầu tư cần làm gì để tự bảo vệ mình?

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Luật Chứng khoán năm 2019, Luật Doanh nghiệp năm 2020 được áp dụng từ 01/01/2021 và các Nghị định hướng dẫn đã quy định quản lý tách biệt giữa phát hành riêng lẻ với phát hành TPDN ra công chúng.

Theo đó, TPDN phát hành riêng lẻ chỉ được bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo hình thức tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm, cơ quan quản lý không cấp phép phát hành. DN phát hành phải thực hiện công bố thông tin đầy đủ, trung thực cho nhà đầu tư, công bố thông tin cho Sở Giao dịch chứng khoán đồng thời có trách nhiệm sử dụng vốn đúng mục đích, hoàn trả gốc và lãi trái phiếu đúng hạn…

Cơ quan quản lý có trách nhiệm hậu kiểm. Tuy nhiên, kết quả thanh kiểm tra hoạt động phát hành TPDN của Ủy ban Chứng khoán, Bộ Tài chính vẫn rất hạn chế.

Phía Bộ Tài chính khuyến cáo, nhà đầu tư cần phải biết cách tự bảo vệ mình.

Cụ thể, đối với các nhà đầu tư cần phải hiểu biết mình là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo đúng quy định của pháp luật, đánh giá được đầy đủ rủi ro khi đầu tư vào TPDN, không nên mua trái phiếu thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của DN phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu. Nhà đầu tư cũng cần lưu ý việc các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phân phối TPDN không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc mua trái phiếu. Trong trường hợp mua trái phiếu thông qua các hợp đồng đầu tư là không có căn cứ pháp lý theo quy định của pháp luật về phát hành trái phiếu, nhà đầu tư sẽ không phải là chủ sở hữu trái phiếu và không có quyền lợi đối với trái phiếu theo các cam kết của DN phát hành.
Quy định hiện hành chỉ cho phép nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua và giao dịch TPDN riêng lẻ. Theo đó, mọi hành vi gian lận để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp không chỉ khiến nhà đầu tư chịu nhiều rủi ro, tổn thất khi mua trái phiếu (có thể mất toàn bộ tiền đầu tư) mà còn là hành vi vi phạm pháp luật. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ thực hiện thanh kiểm tra để xử lý nghiêm minh những hành vi lách quy định này của pháp luật.

Đối với các DN huy động TPDN với khối lượng lớn, lãi suất cao vượt quá năng lực tài chính của DN là rất rủi ro khi hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn thì DN sẽ không có khả năng thanh toán gốc, lãi trái phiếu theo cam kết trái phiếu. Các DN phát hành cần lưu ý việc vi phạm quy định về công bố thông tin, sử dụng vốn sai mục đích đã công bố ngoài việc bị xử lý vi phạm theo quy định có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây thiệt hại cho nhà đầu tư.

Đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ cần tuyệt đối tuân thủ pháp luật trong việc cung cấp thông tin đầy đủ, minh bạch, chính xác cho nhà đầu tư, đảm bảo tư vấn để DN phát hành tuân thủ quy định của pháp luật; xác định đúng đối tượng nhà đầu tư chuyên nghiệp mua trái phiếu. Việc tổ chức cung cấp dịch vụ (công ty chứng khoán, NHTM) chào mời, phân phối TPDN cho nhà đầu tư không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hoặc dùng các hình thức lách quy định của pháp luật cũng sẽ bị xử phạt nghiêm minh.