Mục tiêu chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Đức đến Việt Nam
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Võ Văn Thưởng và Phu nhân, Tổng thống Cộng hòa Liên bang Đức Frank-Walter Steinmeier và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam từ ngày 23 đến ngày 24/1/2024.
Việt Nam và CHLB Đức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 23/9/1975. Từ đó đến nay, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước phát triển tích cực, ngày càng sâu rộng, hiệu quả và toàn diện. Trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Đức Angela Merkel hồi tháng 10/2011, hai nước đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược.

Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu, chiếm gần 20% xuất khẩu của Việt Nam sang EU, và cũng là cửa ngõ trung chuyển quan trọng của hàng hóa Việt Nam sang các thị trường khác trong khu vực.
Hiện có trên 350 doanh nghiệp Đức hoạt động tại Việt Nam, trong đó có một số tập đoàn đa quốc gia như: Siemens, B.Braun, Messer, Mercedes-Benz, Bilfinger, Bosch, Deutsche Bank, Allianz... Tính đến tháng 5/2023, Đức có 444 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là trên 2,36 tỷ USD, đứng thứ 4/24 trong EU và thứ 18/143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.
Hiện có khoảng 300 nghiên cứu sinh Việt Nam nhận học bổng nghiên cứu tại Đức và khoảng 7.500 sinh viên Việt Nam đang theo học tại các trường đại học của Đức. Hai nước cũng hợp tác khăng khít trong nhiều lĩnh vực từ giáo dục, du lịch, khoa học công nghệ cho đến văn hóa, y tế…
Theo thông tin từ Đại sứ quán Đức tại Việt Nam, qua chuyến thăm này, Tổng thống Steinmeier muốn nhấn mạnh mục tiêu của Đức là mở
rộng và đa dạng hóa quan hệ chính trị và kinh tế với Việt Nam. Tháp tùng Tổng thống Steinmeier sẽ có phái đoàn doanh nghiệp.
Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Steinmeier sẽ có các buổi hội kiến với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Bên cạnh đó, Tổng thống Steinmeier sẽ tới thăm Văn Miếu – Quốc Tử Giám cũng như gặp gỡ các học viên, giáo viên, các đối tác tuyển chọn lao động để tìm hiểu về chủ đề trao đổi lao động lành nghề giữa Việt Nam và Đức. Sau đó, Tổng thống dự kiến sẽ có một buổi trò chuyện về chủ đề tiểu sử và kinh nghiệm nhập cư.
Trong ngày làm việc thứ hai tại Việt Nam, Tổng thống Đức sẽ tới Thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây, ông và đoàn doanh nghiệp Đức sẽ có cuộc trao đổi với đại diện các doanh nghiệp tại Việt Nam. Chủ đề trọng tâm là các triển vọng trong quan hệ kinh tế và thương mại giữa hai nước. Sau đó, Tổng thống sẽ tới thăm trường Đại học Việt Đức (VGU) và có bài phát biểu trước sinh viên và giảng viên của trường.

Thủ tướng: công tác ngoại giao kinh tế phải bám sát yêu cầu trong nước
Kinhtedothi - Thủ tướng lưu ý cần phát huy tính tự lực, tự cường, chủ động sáng tạo cũng như tăng cường phối hợp, liên kết với các ngành, địa phương theo tinh thần “lấy doanh nghiệp, địa phương làm trung tâm phục vụ”.
Giao lưu văn hoá kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt - Nhật
Kinhtedothi – Tối 23/12, được sự đồng ý của UBND TP Hà Nội, sự phối hợp giúp đỡ của Sở VHTT, Sở Ngoại vụ, UBND quận Tây Hồ tổ chức chương trình giao lưu văn hoá Việt - Nhật Heiwa - Peace - Tây Hồ năm 2023, kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt - Nhật.

Một năm sôi động của ngoại giao Việt Nam
Kinhtedothi - Năm vừa qua chứng kiến nhiều chuyến công du “chất lượng cao” của lãnh đạo Việt Nam và ở chiều ngược lại ta cũng đón nhiều lãnh đạo và nguyên thủ các nước trên thế giới.