KTĐT - Nói sự thay đổi lớn này nhằm thúc đẩy tính hiệu quả sự tham chiến của Mỹ ở Afghanistan là bởi, phần lớn trong các vị trí thay đổi này có liên quan đến các nhân vật đã và sẽ thực thi các nhiệm vụ ở “chiến trường” này.
Giới phân tích nhận định, đây có lẽ là giải pháp cần thiết để Tổng thống Obama lấy lại uy tín đang xuống rất thấp của mình.
Chính quyền của Tổng thống Obama vừa thông báo chính thức thay đổi một loạt vị trí quan trọng trong bộ máy an ninh quốc gia, trong đó có vị trí Bộ trưởng Quốc phòng. Động thái này được coi là bước đi mạnh mẽ nhằm thúc đẩy tính hiệu quả sự tham chiến của Mỹ ở Afghanistan và những mục tiêu khác liên quan đến việc tại nhiệm của Tổng thống Obama.
Nói sự thay đổi lớn này nhằm thúc đẩy tính hiệu quả sự tham chiến của Mỹ ở Afghanistan là bởi, phần lớn trong các vị trí thay đổi này có liên quan đến các nhân vật đã và sẽ thực thi các nhiệm vụ ở “chiến trường” này. Cụ thể, ngoài sự thay đổi lớn là ông Leon Panetta, hiện là Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), được chỉ định làm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, thay thế ông Robert Gates, thì tướng David Petraeus, Tư lệnh lực lượng Mỹ tại Afghanistan sẽ đảm nhiệm vị trí của ông Panetta tại CIA. Trong khi đó, người kế nhiệm ông Petraeus tại chiến trường Nam Á sẽ là Trung tướng John Allen, hiện là Phó Tư lệnh Bộ Chỉ huy trung tâm. Ngoài ra, không kém phần quan trọng là Tổng thống Obama cũng bổ nhiệm ông Ryan Crocker làm tân Đại sứ Mỹ tại Afghanistan.
Theo dõi diễn biến trên chính trường Afghanistan liên quan tới sự có mặt của Mỹ trong cuộc chiến mang tên “chống khủng bố”, giới phân tích đánh giá rằng, sự thay đổi lớn này nhằm một mục tiêu rất quan trọng là hoàn thành đúng kế hoạch “sứ mạng” của Mỹ ở đây. Trong đó, quan trọng nhất là rút dần quân đội Mỹ để đến năm 2015 sẽ hoàn tất. Giới lãnh đạo Mỹ, đặc biệt là Tổng thống Obama đã từng nhiều lần nhắc tới mục tiêu này và coi năm 2011 là rất quan trọng cho chiến cuộc Afghanistan.
Nhậm chức Tổng thống Mỹ năm 2008, ông Obama đã đưa ra lời hứa sớm hoàn thành những nhiệm vụ đặt ra tại Afghanistan, nhưng thực tế ở đây đã cho thấy vấn đề phức tạp hơn ông tưởng và ông đã phải có những điều chỉnh. Những điều chỉnh ấy cũng từng gây khá nhiều tranh cãi, thậm chí ảnh hưởng không ít tới uy tín của ông. Đó là, năm 2009, ông Obama đã nhất trí với yêu cầu của Lầu Năm Góc là điều thêm 30.000 quân tới Afghanistan, trong khi vẫn phải khẳng định kế hoạch rút quân.
Để “sứ mạng” của Mỹ sớm hoàn tất, ông Obama hiểu không thể chỉ áp dụng giải pháp là điều thêm quân, mà phải có những “giải pháp chính trị”. Xuất phát từ lý do đó, Tổng thống Obama đã quyết định cử ông Crocker, một quan chức ngoại giao kỳ cựu, từng là Đại sứ Mỹ tại Pakistan và Iraq, đảm trách nhiệm vụ tại Afghanistan.
Việc thay đổi vị Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates mới là mục tiêu lớn mà Tổng thống Obama nhắm tới. Hiện nay, ông Obama đang phải đối phó với việc cắt giảm chi tiêu ngân sách - một việc mà ông đã phải rất khó khăn để vượt qua hồi tháng trước để Chính phủ có thể hoạt động được. Ông Panetta vốn nổi tiếng là “người cắt giảm chi tiêu ngân sách” nên mặc dù thời gian qua, ông Gates đã áp dụng một số biện pháp cắt giảm, nhưng Tổng thống Obama muốn nhiều hơn nữa trong thời kỳ Mỹ đang “thắt lưng buộc bụng”. Bởi vậy ông Panetta được coi là sự lựa chọn thích hợp với Tổng thống Obama.
Các quyết định này sẽ còn phải được Thượng viện Mỹ phê chuẩn. Nếu được thông qua tại đây, ông Panetta sẽ là chính khách Dân chủ đầu tiên đảm nhiệm cương vị người đứng đầu Lầu Năm Góc kể từ năm 1997 tới nay. Động thái thay đổi nhân sự lớn trong hệ thống An ninh Quốc gia Mỹ được coi là sự xáo trộn lớn đầu tiên trong chính quyền của ông Obama. Nhưng có lẽ đó cũng là giải pháp cần thiết để ông lấy lại uy tín vốn đang xuống rất thấp của mình. Dư luận cũng đánh giá, đây là động thái nhằm thành lập một đội ngũ cố vấn an ninh mới trước kỳ bầu cử Tổng thống năm 2012./.