Ngày 3/2 (tức mùng 6 Tết Ất Tỵ 2025), được sự chấp thuận chủ trương của Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Bộ Tư lệnh TP chủ trì phối hợp với Thành ủy TP Thủ Đức tổ chức lễ khởi công xây dựng Bia tưởng niệm liệt sỹ Biệt động Sài Gòn tại Nghĩa trang liệt sỹ TP (phường Long Bình, TP Thủ Đức).
Thiếu tướng Phạm Văn Rậm – Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh chia sẻ, việc xây dựng Bia tưởng niệm liệt sỹ Biệt động Sài Gòn nhằm tiếp tục thực hiện công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, tri ân các Anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hy sinh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Việc xây dựng Bia tưởng niệm theo đề nghị của Ban Liên lạc Biệt động Sài Gòn thể hiện tấm lòng, tình cảm, nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang (LLVT) TP. Đồng thời, là dịp để xây dựng các công trình ghi lại những mốc son lịch sử của LLVT TP, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống, nâng cao nhận thức trách nhiệm, để mỗi cán bộ chiến sĩ thấy được giá trị lịch sử, những chặng đường vẻ vang, vinh dự, tự hào… Từ đó ra sức cống hiến, xây dựng LLVT TP vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, xứng đáng với niềm tin yêu, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đảng ủy – Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP Hồ Chí Minh.
Cũng trong ngày 3/2, Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh chủ trì phối hợp với Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến TP khối Vũ trang Biệt động Sài Gòn – Gia Định tổ chức lễ dâng hương tưởng nhớ và tri ân các liệt sỹ Biệt động Sài Gòn – Gia Định đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước tại địa chỉ 499/20 Cách Mạng Tháng Tám (phường 13, quận 10).
Căn nhà nêu trên của ông Dương Văn Đức (tức “Hai Diện”, SN 1928), làm chủ sở hữu. Căn nhà này được ông Đức dùng làm nơi sửa chữa ô tô với tên “Garage Tự Lực” nhằm thực hiện nhiệm vụ liên lạc, tổ chức hội họp, che giấu cán bộ, chiến sĩ Biệt động Sài Gòn.
“Garage Tự Lực” hoạt động bề ngoài là sửa chữa ô tô, trong đó có nhiệm vụ sửa chữa ô tô cho Biệt động Sài Gòn; đồng thời được thiết kế hầm bí mật cất giấu vũ khí, tài liệu, che giấu cán bộ ra vào nội thành... Tại garage này, ông Dương Văn Đức đã thiết kế thùng 2 chiếc xe ô tô biển số NCE-345 và EC-6045 thành 2 đáy để chứa vũ khí, tài liệu và làm phương tiện vận chuyển người, vũ khí của cơ sở cán bộ biệt động A30 Trần Văn Lai.
Clip: Lễ dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ Biệt động Sài Gòn – Gia Định hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Trong cuộc Tổng tiến công nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, vào đêm 30 rạng sáng 31/1/1968, chiếc xe ô tô biển số NCE-345 đã được sử dụng chở cán bộ, chiến sĩ Đội IN10 – Biệt động Sài Gòn cùng chất nổ và vũ khí để tấn công vào Dinh Độc Lập, cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn.
Phát biểu tại buổi lễ dâng hương, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Phan Xuân Biên, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết, thể theo nguyện vọng của đại đa số thân nhân các liệt sỹ Biệt động Sài Gòn – Gia Định đã hy sinh trong hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đặc biệt trong cuộc Tổng tiến công nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh đã thống nhất chọn mùng 6 tháng Giêng hằng năm, bắt đầu từ năm Ất Tỵ 2025 làm ngày Giỗ chung cho các Anh hùng liệt sỹ.