Mừng, lo thu ngân sách

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông tin từ Bộ Tài chính, đến hết tháng 10/2022, thu ngân sách Nhà nước (NSNN) không những về đích mà còn vượt dự toán được giao.

Người dân giao dịch tại bộ phận “một cửa” của Chi cục Thuế quận Thanh Xuân.
Người dân giao dịch tại bộ phận “một cửa” của Chi cục Thuế quận Thanh Xuân.

Trong bối cảnh, nền kinh tế bị tác động bởi những ảnh hưởng thiếu tích cực từ tình hình thế giới, DN phục hồi hậu Covid-19 còn nhiều khó khăn, giá xăng, dầu tăng, tỷ giá, lãi suất… đi lên thì đây là một tín hiệu vui, thể hiện sự nỗ lực của các cơ quan quản lý thu.

Thu NSNN tháng 10 ước đạt 130,3 nghìn tỷ đồng, lũy kế 10 tháng ước đạt 1.464,3 nghìn tỷ đồng, bằng 103,7% dự toán. Nguyên nhân của việc thu NSNN 10 tháng vượt dự toán là do nền kinh tế duy trì được đà phục hồi và tăng trưởng khả quan. GDP 9 tháng tăng 8,83%, là mức tăng cao nhất từ năm 2011 đến nay. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP), kim ngạch xuất khẩu, giá trị xuất siêu đều tăng.

Đáng chú ý, các khoản thu bền vững từ sản xuất - kinh doanh, thu nội địa, thu xuất nhập khẩu… có mức tăng khả quan. Trong đó, lũy kế thu 10 tháng đầu năm 2022, thu nội địa ước đạt 1.157,7 nghìn tỷ đồng, bằng 98,4% dự toán, tăng 12,1% so cùng kỳ năm 2021; Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt gần 236,1 nghìn tỷ đồng, bằng 118,6% dự toán, tăng 21,9% so cùng kỳ.

Các khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất - kinh doanh ở 3 khu vực kinh tế (chiếm 52% dự toán tổng số thu nội địa) ước đạt 91,8% dự toán, tăng 2,5% so cùng kỳ. Cụ thể, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 91,9% dự toán, tăng 6%; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 87,4% dự toán, giảm 1,9%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 95,3% dự toán, tăng 3,9%.

Cùng với đó, cơ quan thuế cũng tăng cường quản lý thuế, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn từ hóa đơn điện tử để truy dấu gian lận, rà soát những nguồn thu có tiềm năng nhưng còn thất thu để đưa vào quản lý. Quyết liệt quản lý, chống thất thu, khai thác tăng thu từ hoạt động thương mại điện tử, từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, từ khai thác tài nguyên.

Bên cạnh các khoản thu có tính bền vững thì nỗi lo không mới trong cơ cấu thu ngân sách hiện nay là số thu từ các nguồn như dầu thô, đất… vẫn chiếm tỷ lệ lớn. Theo đó, giá dầu, khí tăng cao cũng là nguyên nhân lớn đem lại nguồn vượt thu khá từ dầu thô trong “rổ” ngân sách. Lũy kế thu 10 tháng, thu từ dầu thô ước đạt 65,5 nghìn tỷ đồng, vượt 132,4% dự toán, tăng 95% so cùng kỳ năm 2021.

Một nỗi lo khác là số thu nội địa có xu hướng giảm dần, thu nội địa bình quân 5 tháng đầu năm thu đạt 130,8 nghìn tỷ đồng/tháng, từ tháng 6 đến nay thu bình quân chỉ đạt gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, thu tháng 9 chỉ còn 71,2 nghìn tỷ đồng, tháng 10 không kể các khoản thu kê khai thu theo quý thì số thu chỉ đạt khoảng 70.000 tỷ đồng.

Có 6 khoản thu nội địa vượt dự toán, nhưng vẫn còn 2 khoản thu chưa đảm bảo tiến độ dự toán là thu thuế bảo vệ môi trường (đạt 65,3% dự toán) và thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước (đạt 77,5% dự toán). 12 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ.

Có thể thấy, dù thu ngân sách về đích trước hạn, tuy nhiên, việc cân đối cơ cấu thu để các khoản thu bền vững, dài hạn tăng tốt hơn là câu chuyện chưa bao giờ cũ. Trong bối cảnh nhiều nguồn thu mới như các hoạt động kinh doanh số, kinh doanh thương mại điện tử… đang ngày càng phát triển hiện nay, việc tìm ra các công cụ hữu hiệu để tăng thu cần được quan tâm hơn nữa. Ngoài ra, cần tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn để người nộp thuế, DN phát triển sản xuất, kinh doanh và tiết kiệm, cắt giảm các khoản chi không cần thiết cũng là giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu nhằm tăng thu ngân sách.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần