Tuy nhiên, so với doanh thu của các nền tảng kinh doanh trong nước và xuyên biên giới ở Việt Nam, số tiền thuế thu từ lĩnh vực này chưa tương xứng, gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước, tạo tình trạng bất bình đẳng giữa những người kinh doanh.
Những năm gần đây, chính sách thuế về TMĐT đã dần được hoàn thiện, phù hợp với xu hướng tiêu dùng, ứng dụng công nghệ trong kinh doanh TMĐT tại Việt Nam.
Sau một thời gian tạo điều kiện tối đa cho thương mại điện tử phát triển, cơ quan chức năng bắt đầu có nhiều chương trình hành động mang tính điều phối để hoạt động này ngày càng hữu ích hơn, đặc biệt là đóng góp các nghĩa vụ tài chính tương tự các hoạt động kinh tế khác.
Cùng với hoàn thiện khung khổ pháp luật, Tổng cục Thuế đã triển khai đồng bộ công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế qua các phương tiện thông tin đại chúng, tạp chí chuyên ngành với nhiều hình thức đa dạng, phong phú.
Đặc biệt, để hỗ trợ các nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN) đăng ký, kê khai, nộp thuế tại Việt Nam, từ 21/3/2022, Tổng cục Thuế đã chính thức vận hành Cổng thông tin điện tử dành cho NCCNN.
Đến nay đã có 57 NCCNN đăng ký, kê khai và nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử, trong đó có các NCCNN lớn trên thế giới như Google, Apple, Facebook, Netflix, TikTok, Microsoft...
Đồng thời, nhằm hỗ trợ các sàn giao dịch TMĐT cung cấp thông tin, ngày 15/12/2022, Tổng cục Thuế đã chính thức vận hành Cổng thông tin TMĐT để tiếp nhận thông tin về các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT.
Cụ thể, trong quý IV/2022, các sàn đã cung cấp thông tin của 159.218 cá nhân và 31.882 tổ chức có hoạt động kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT cho cơ quan thuế, với 50,7 triệu lượt giao dịch và tổng giá trị giao dịch là 15.272 tỷ đồng.
Trong quý I/2023, cơ quan thuế đã có danh sách của 64.327 cá nhân và 22.840 tổ chức kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT, với tổng giá trị giao dịch là 11.478 tỷ đồng. Căn cứ cơ sở dữ liệu các sàn giao dịch TMĐT cung cấp cho cơ quan thuế thông qua Cổng thông tin TMĐT và cơ sở dữ liệu quản lý, cơ quan thuế đã hướng dẫn, hỗ trợ NNT kê khai nộp thuế đối với hộ kinh doanh TMĐT.
Theo đó, số thu từ TMĐT cũng có bước tăng trưởng mạnh. Theo báo cáo của các cục thuế, tổng số thu TMĐT từ các tổ chức, cá nhân Việt Nam trên toàn quốc năm 2021 là 261 tỷ đồng, năm 2022 tăng cao lên mức 716 tỷ đồng, bằng 274% số thu năm 2021; 5 tháng đầu năm 2023 số thu từ hoạt động TMĐT đạt mức 246 tỷ đồng.
Mặc dù đã đạt được những kết quả ban đầu rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT đã xuất hiện một số khó khăn, bất cập.
Việc thu thập thông tin về các cá nhân có phát sinh doanh thu từ quảng cáo trên dịch vụ nội dung thông tin số trên các nền tảng xuyên biên giới, hệ thống scannet hiệu quả chưa cao, chưa có công cụ rà quét chuyên nghiệp.
Trước thực tế này, một cuộc “đại phẫu” trong công tác chống thất thu thuế TMĐT đã được cơ quan chức năng bắt tay thực hiện.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hàng loạt khoảng trống về hành lang pháp lý cũng như những quy định khó lòng đuổi kịp sự phát triển như vũ bão của hoạt động TMĐT, gây ra không ít khó khăn trong công tác quản lý thuế.
Do đó, ngoài việc tiếp tục các giải pháp thanh, kiểm tra, chống thất thu thuế, cơ quan thuế cần đẩy mạnh đầu tư vào các nền tảng công nghệ tự động theo dõi dòng doanh thu từ dịch vụ nước ngoài.
Về lâu dài, các đơn vị cần nghiên cứu, đề xuất sửa đổi chính sách theo hướng quy định trách nhiệm khai thuế, nộp thuế đối với chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT thực hiện khấu trừ thuế cho cá nhân kinh doanh thông qua sàn giao dịch TMĐT; đồng thời bổ sung quy định, các ngân hàng thương mại, trung gian thanh toán căn cứ khoản tiền được trả từ nước ngoài thông qua tài khoản của cá nhân để khấu trừ, khai thay, nộp thay cho cá nhân trong nước khi nhận tiền từ kinh doanh được trả từ nước ngoài, qua đó tạo công bằng giữa các tổ chức kinh doanh và đảm bảo nguồn thu cho ngân sách.