Từ thực hiện chính sách nới lỏng cho đến… đưa tiền tận tay người dân, nhiều nước đã tích cực để kích thích nhu cầu mua sắm nội địa - nền tảng cho phát triển kinh tế.
Những gói kích thích “khủng”
Năm 2022, Nhật Bản đã thông qua gói kích thích kinh tế có tổng giá trị lên đến 71.600 tỷ yen (hơn 490 tỷ USD) nhằm giảm tác động của leo thang giá cả đối với hộ gia đình và DN, đồng thời hỗ trợ cho đà phục hồi kinh tế. Trong gói kích thích này, 39.000 tỷ yen được đổ vào đầu tư công và cho vay cũng như các khoản chi của chính quyền địa phương.
Cụ thể, chính quyền Tokyo hỗ trợ 7 yen/kWh (0,05 USD) điện tiêu thụ cho các hộ gia đình và 3,5 yen/kWh (0,23USD) cho các DN. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng sẽ hỗ trợ 30 yen/m3 (0,2USD) khí đốt tiêu thụ, đồng nghĩa mỗi tháng, mỗi hộ gia đình ở nước này sẽ được hỗ trợ khoảng 2.800 yên tiền điện và khoảng 900 yen tiền khí đốt .
Trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, một số nước Đông Nam Á đã tung ra các gói hỗ trợ kinh tế. Tháng 7/2022, Singapore đã công bố gói kích thích trị giá 1,5 tỷ đô la Singapore (tương đương 1,07 tỷ USD) nhằm hỗ trợ hộ gia đình và DN nhỏ. Những cá nhân có thu nhập năm dưới 34.000 đô la Singapore (hơn 25.000 USD) sẽ được hỗ trợ 300 đô la Singapore.
Tại Malaysia, chính phủ nước này hỗ trợ 630 triệu ringgit (134 triệu USD) cho 8,6 triệu người. Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob cho biết, các hộ gia đình thuộc nhóm thu nhập thấp nhất sẽ được hỗ trợ 100 ringgit (tương đương 22,65 USD). Các cá nhân có thu nhập tương tự cũng nhận được 50 ringgit.
Thái Lan cũng đặc biệt quan tâm đến các biện pháp kích cầu tiêu dùng nội địa, tiến tới thúc đẩy kinh tế phát triển. Ngày 11/9/2023, chỉ sau hơn một tuần nhậm chức, tân Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin đã công bố một loạt các biện pháp nhằm vực dậy nền kinh tế sau đại dịch Covid-19, trong đó nổi bật nhất là chính sách phát tiền cho người dân để kích cầu tiêu dùng.
Theo đó, Chính phủ Bangkok đã quyết định tặng khoản tiền trị giá 10.000 bath (khoảng 280 USD) cho người dân từ 16 tuổi trở lên nhằm thúc đẩy chi tiêu hộ gia đình, tăng cường các hoạt động kinh doanh cũng như tạo việc làm ở nhiều lĩnh vực.
Số tiền này được chuyển vào ví kỹ thuật số trên điện thoại di động của từng người thông qua công nghệ Blockchain. Bên cạnh đó, như một phần trong nỗ lực kích thích tiêu dùng, nước này cũng cho biết sẽ giảm giá dầu, gas sinh hoạt, điện và đồng thời tìm thêm nguồn năng lượng mới để thay thế.
Trong khi đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc ngày 16/10 vừa qua đã bơm ròng 289 tỷ nhân dân tệ (39,6 tỷ USD) vào hệ thống tài chính thông qua các khoản cho vay chính sách kỳ hạn 1 năm. Đây được xem là số tiền lớn nhất đổ vào nền kinh tế kể từ tháng 12/2020. Động thái trên của Chính phủ Bắc Kinh nhằm cải thiện tốc độ tăng trưởng chững lại của nền kinh tế khi giá tiêu dùng cho thấy nhu cầu nội địa ở mức yếu.
Chính sách nới lỏng kích thích tiêu dùng
Các quốc gia châu Á vừa qua cũng đã tích cực triển khai các chính sách nới lỏng, giãn nợ cho hộ gia đình, DN nhằm kích chi tiêu, tiêu dùng.
Năm 2020, Malaysia cho phép các thương nhân của nước này tự do tổ chức các buổi bán hàng giảm giá nhằm kích thích chi tiêu của người tiêu dùng, đồng thời thúc đẩy kinh tế phát triển trong bối cảnh lao đao do đại dịch Covid-19.
Để khắc phục tình trạng dễ tồn thương của nền kinh tế khi nợ hộ gia đình đã vượt quá 90% tổng sản phẩm quốc nội và nợ cộng đã vượt trên 60%, chính phủ Thái Lan cũng cam kết sẽ giải quyết các vấn đề nợ cho nông dân, hộ gia đình, DN vừa và nhỏ thông qua các biện pháp giãn nợ nhưng không gây ảnh hưởng nhiều đến chủ nợ.
Cụ thể, Thái Lan cho giảm thuế đối với dầu diesel, gia hạn nợ cho nông dân. Chính phủ dự kiến giảm 2,5 baht (0,07 USD) tiền thuế cho mỗi lít dầu diesel để đưa giá bán lẻ loại nhiên liệu này xuống dưới mức 30 baht/lít từ ngày 20/9/2023 cho đến hết năm. Thêm vào đó, nông dân và DN nhỏ sẽ được hoãn trả nợ 3 năm.
Vào đầu tháng 10/2023, Chính phủ và DN Thái Lan đã đồng ý hỗ trợ giảm giá 151.675 hàng hóa và dịch vụ từ giai đoạn đó đến cuối năm. Đây được cho là một phần của chính sách “đánh nhanh thắng nhanh” nhằm mang lại lợi ích cho cả DN, nhà kinh doanh và người tiêu dùng, bằng việc thúc đẩy giảm giá sinh hoạt từ giảm giá tiêu dùng.
Để thực hiện được biện pháp này, Chính phủ Thái Lan phải giành được sự nhất trí giảm giá các sản phẩm của 288 nhà điều hành DN, gồm 88 nhà sản xuất thực phẩm, nhu yếu phẩm và 83 cửa hàng bách hóa.
Nhìn chung, các sản phẩm giảm giá đều là những mặt hàng thiết yếu, quan trọng đối với người dân, được chia làm ba nhóm với tỷ lệ giảm giá khác nhau: giảm giá 87% đối với nhóm 1 là 3.000 mặt hàng thực phẩm và đồ uống như thực phẩm chế biến, gạo, gia vị và đồ uống; giảm giá 80% đối với nhóm 2 là 8.000 mặt hàng thiết yếu hàng ngày như: thiết bị điện, trang trí nhà cửa, dụng cụ, thuốc men, vật tư y tế và giảm giá 40% đối với nhóm còn lại là 198 mặt hàng nông nghiệp như: phân bón, hóa chất nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi.
Việc giảm giá dịch vụ cũng được chia làm 3 nhóm, gồm 140.000 dịch vụ y tế sẽ được giảm giá tối đa 20%, 50% cho 123 dịch vụ bảo dưỡng phương tiện và tối đa 69% cho 7 dịch vụ hậu cần.
Trung Quốc cũng đã thực hiện các chính sách nới lỏng trong lĩnh vực bất động sản nhằm vực dậy một trong những lĩnh vực trụ cột của nền kinh tế thứ hai thế giới đang rơi vào suy thoái. Để kích thích người dân chi tiêu cho bất động sản, Bắc Kinh đã giảm lãi suất cho vay để mua và đầu tư nhà ở, hạn chế các khoản trả trước.
Tháng 6/2023, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc hạ lãi suất ngắn hạn từ 2% xuống 1,9% - động thái điều chỉnh chính sách tiền tệ đầu tiên trong 9 tháng gần đây. Ngân hàng này vẫn tiếp tục duy trì thực hiện chính sách tăng lãi suất trong hai tháng tiếp theo nhằm kích thích chi tiêu trong lĩnh vực bất động sản.
Chính phủ Trung Quốc cũng khuyến khích người dân mua sắm nhà ở bằng những ưu đãi như: giảm tỷ lệ trả trước tối thiểu khi mua căn nhà thứ nhất và thứ hai xuống 20% và 30%...