Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Muốn xuất khẩu bền vững, đừng xem nhẹ phòng vệ thương mại

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng, phòng vệ thương mại (PVTM) được coi là trụ cột để đảm bảo thương mại công bằng và bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Do đó, hơn lúc nào hết, các bộ, ngành, hiệp hội, DN cần quyết liệt thực hiện những giải pháp nâng cao năng lực về PVTM, tạo nền móng vững chắc cho phát triển xuất nhập khẩu bền vững.

Đó là nhận định của các chuyên gia, nhà quản lý tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề: "Nâng cao năng lực phòng vệ thương mại hướng tới cán cân xuất nhập khẩu bền vững", do Bộ Công Thương phối hợp với báo Nông thôn ngày nay tổ chức ngày 25/11.

 Quang cảnh cuộc tọa đàm trực tuyến.

Gia tăng các vụ kiện phòng vệ thương mại với hàng Việt

Đến nay Việt Nam đã tham gia ký và thực thi 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA), điều này tạo thuận lợi cho các DN mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, nếu như năm 2001, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 30 tỷ USD thì đến năm 2007, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu là 100 tỷ xuất nhập khẩu. Dự báo năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu dự kiến trên 600 tỷ USD. Những con số này đã cho thấy năng lực sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam gia tăng nhanh chóng.

Đáng chú ý, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã tạo ra sức ép cạnh tranh rất lớn tại thị trường các nước nhập khẩu, khiến ngành sản xuất các nước này đề nghị chính phủ điều tra áp dụng các biện pháp PVTM. Đây cũng là lý do chính khiến các biện PVTM đối với các mặt hàng xuất khẩu gia tăng nhanh chóng.

Đơn cử như ngành thép, giai đoạn 2016 - 2021, tăng trưởng bình quân xuất khẩu thép và bán thành phẩm thép (thép thô, ferro…) đạt hơn 20%/năm. Trong 10 năm gần đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ về quy mô và chất lượng, sản phẩm thép Việt Nam là một trong những mặt hàng có số lượng các vụ kiện do nước ngoài khởi xướng điều tra gia tăng mạnh. Tính từ năm 2004 đến tháng 10/2021, đã có 66 vụ kiện PVTM của nước ngoài đối với thép xuất khẩu của Việt Nam.

Tổng thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam Đinh Quốc Thái chia sẻ: “Giai đoạn đầu khi đối mặt với các vụ kiện về PVTM, các DN sản xuất thép gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do nhận thức của DN về PVTM còn hạn chế, năng lực để tham gia kháng kiện yếu, mức độ hiểu biết về các biện pháp PVTM chưa đầy đủ, dẫn đến sự lúng túng nhất định khi phải đối mặt giải quyết tranh chấp”.

Phân tích thêm về vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Nguyễn Xuân Đa nhận định, các vụ kiện PVTM đối với mặt hàng thép xuất khẩu không chỉ xảy ra ở các thị trường lớn như: Mỹ, Canada, châu Âu mà còn xảy ra ngày càng nhiều ở các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia… Điều này nói nên một xu hướng là hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam có thể bị kiện PVTM ở bất cứ quốc gia nào, thị trường lớn hay nhỏ, lĩnh vực hay loại hàng hóa nào.

Thép xuất khẩu là mặt hàng thường xuyên đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại. Ảnh minh họa

Không thể tách rời hội nhập quốc tế

Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) Lê Triệu Dũng cho biết, thời gian qua, Việt Nam đã phối hợp ứng phó kịp thời, hiệu quả, đảm bảo tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, giữ những thị trường xuất khẩu quan trọng. Tính đến nay, Việt Nam đã ứng phó 208 vụ việc PVTM của nước ngoài đối với các mặt hàng sản xuất của nước ta. Nhiều nhất trong số này là mặt hàng sắt thép và mặt hàng thế mạnh khác như thủy sản, dệt may, gỗ…

Bên cạnh đó, Việt Nam đã điều tra, áp dụng 23 biện pháp PVTM đối với hàng nhập khẩu vào Việt Nam với nhiều mặt hàng như sắt thép, đường, sợi, phân bón… Các biện pháp đã tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, góp phần phát triển các ngành sản xuất trong nước, đặc biệt là với những ngành cơ bản.

Theo ông Lê Triệu Dũng, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, PVTM càng trở nên quan trọng đòi hỏi năng lực pháp lý, năng lực tài chính, kế toán rất phức tạp, nên hơn lúc nào hết Việt Nam cần nâng cao năng lực về PVTM để có thể đảm bảo hiệu quả tiến trình hội nhập. Cùng với đó, cần sử dụng tốt các công cụ PVTM hợp pháp được tổ chức thương mại thế giới cho phép. Quá trình điều tra áp dụng PVTM cần khách quan, đảm bảo tất cả các ý kiến của các bên liên quan được tổng hợp, tính toán và cân nhắc cho đúng các quy định chi tiết của pháp luật trong nước và thế giới từ đó tránh lạm dụng đảm bảo hiệu quả của quá trình hội nhập.

Nhiều chuyên gia nhận định, các biện pháp PVTM là một phần tất yếu không thể tách rời với quá trình hội nhập quốc tế, là công cụ để đảm bảo cho quá trình hội nhập kinh tế nói chung cũng như đảm bảo xuất nhập khẩu bền vững. Do đó, các chuyên gia khuyến nghị, để nâng cao hiệu quả, giảm thiểu rủi ro đối mặt với các vụ kiện PVTM, các DN cũng cần lưu ý đa dạng hóa sản phẩm và thị trường xuất khẩu để phân tán rủi ro, tránh tập trung xuất khẩu với khối lượng lớn vào một thị trường. Cùng với đó, cần phát triển các chuỗi giá trị, phát triển nguồn nguyên liệu trong nước, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu và phát triển thương hiệu.

Việc điều tra, áp dụng của biện pháp PVTM với các mặt hàng sắt thép, đường, sợi, phân bón… không chỉ góp phần vào sự tăng trưởng của GDP cả nước mà còn bảo vệ việc làm của hàng trăm nghìn lao động. Đặc biệt, Bộ hết sức chú trọng quyền lợi của các bên liên quan như: Nhà sản xuất trong nước, nhà nhập khẩu, bên sử dụng nhằm đảm bảo việc áp dụng các biện pháp đúng quy định cam kết các biện pháp quốc tế, góp phần nâng cao hiệu quả của quá trình hội nhập.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh