Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mưu sinh trên đầm An Khê

Đỗ Quyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với người dân Sa Huỳnh (thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi), đầm An Khê vừa là nơi mưu sinh, vừa là sợi dây nối giữa cư dân Sa Huỳnh cổ với thế giới hiện tại.

Ngụp lặn “săn” đặc sản

Đầu Hè, thời tiết thất thường như cô gái mới lớn. Nghe dự báo trên biển sắp có gió lớn, anh Nguyễn Cho (46 tuổi, phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ) tạm nghỉ ra khơi. Cũng chẳng chịu ngồi yên ở nhà, buổi sáng thấy trời vẫn nắng đẹp, anh lại cắp chiếc rổ, lấy thêm túi lưới đeo cổ, vớ đôi kính lặn cùng cái nĩa rồi đi ra bến đò.

"Đồ nghề" săn dọp của anh Nguyễn Cho.
"Đồ nghề" săn dọp của anh Nguyễn Cho.

Đầm An Khê mùa này trong xanh hiền hòa, soi rõ tận đáy. Không chần chờ, anh Cho lấy chiếc phao tròn màu cam đặt dưới rổ, tay kéo phao, chân lội ra giữa đầm. Càng ra xa nước càng sâu, thoáng chốc đã ngập đến cổ, rồi lút đầu.

"Con dọp sống ở đáy đầm, vùi mình trong cát. Muốn bắt được nó thì phải lặn xuống, lấy nĩa xới cát lên rồi bắt từng con một, bỏ vào túi lưới đeo trước cổ, chừng vài phút lại ngoi lên bỏ vào trong rổ, cứ tiếp tục mãi như thế", anh Cho giải thích.

Thường buổi bắt dọp kéo dài ít nhất 2 - 3 tiếng. Lặn ngụp khá lâu trong nước, sắc da anh Cho trở nên trắng nhợt và có phần thấm mệt. Thành quả buổi "đi săn" hôm nay, anh thu về tầm 7 - 8kg dọp, kiếm được vài trăm nghìn.

Phụ nữ cũng "săn" dọp trên đầm An Khê.
Phụ nữ cũng "săn" dọp trên đầm An Khê.

Trên một quãng đầm, ngoài anh Cho còn có nhiều người khác cũng săn dọp. Nhìn vào các vật dụng như rổ, phao, thùng xốp... nổi trên mặt nước là có thể "định vị" được nơi đó đang có "thợ săn". Bắt được kha khá, họ lại vào bờ, trút dọp xuống lòng đò hoặc cho vào túi nilon để sẵn.

"Người chuyên làm nghề này thì trong buổi sáng bắt hơn chục ký. Đàn ông hay lặn, bắt dọp ở vùng nước sâu, còn cánh phụ nữ đi men theo bờ, dùng chân rà dưới cát để tìm dọp. Trúng con nào thì bắt con đó, ít tốn sức nhưng cũng không bắt được nhiều", anh Trần Ngọc Thuận (36 tuổi, phường Phổ Thạnh) chia sẻ.

Người dân săn dọp trên đầm An Khê.
Người dân săn dọp trên đầm An Khê.

Dọp là loài đặc hữu ở đầm An Khê, có màu đen, viền vàng, con trưởng thành to bằng khoảng 2 ngón tay người lớn chụm lại. Không chỉ mang đến thu nhập đủ trang trải trong ngày, dọp còn là món khoái khẩu của nhiều người vì dễ chế biến và bổ dưỡng.

"Giống này ăn mát, nấu cháo, hấp hoặc xào đều được. Nhóm bên kia sáng nay có mấy người đặt hàng trước nên họ chỉ bắt bán cho mối, không bán khách lẻ đâu. Đặc sản mà, đắt hàng lắm…", anh Thuận cho hay.

Khát vọng gìn giữ cho mai sau

Vừa thành thục khua mái chèo chở khách đi thưởng ngoạn cảnh đẹp của đầm, ông Ngô Trọng (64 tuổi, xã Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ) vừa tự hào khoe: "Đầm An Khê nhiều cá tôm, mùa này là được nhất. Quanh đây bà con đều sống nhờ vào nó, người quăng chài, người đánh lưới... không chỉ vùng Phổ Khánh mà cả Phổ Thạnh nữa".

Ông Ngô Trọng có hơn 50 năm mưu sinh trên đầm An Khê.
Ông Ngô Trọng có hơn 50 năm mưu sinh trên đầm An Khê.

Hơn 50 năm mưu sinh trên đầm, ông Trọng rành rẽ với từng bờ cỏ, từng khúc quanh co, từng tập tính của các loài sinh vật nơi này. “Năm lên 10 tuổi thì ba mất, nhà nghèo khó, nên từ đó là đã ra đầm kiếm tôm, cá sống qua ngày. Đến khi có vợ, sinh con, rồi giờ đầu hai thứ tóc vẫn cứ bám vào đầm mà sống. Thường thì ngày kiếm được 400.000 - 500.000 đồng, ngày ít nhất cũng phải 50.000 đồng”, ông Trọng hồi tưởng.

 

Theo tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi – Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi, Sa Huỳnh là nơi đầu tiên phát hiện ra văn hóa Sa Huỳnh - Nền văn hóa nổi tiếng ở thời đại kim khí. Trong đó, đầm An Khê là mắt xích quan trọng nhất vì là nơi cung cấp nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của cộng đồng cư dân Sa Huỳnh cổ.

“Trong lịch sử, đầm An Khê đã đóng góp rất nhiều cho giao thương khu vực. Có thể nói, cụm di tích khảo cổ và không gian sinh tồn của văn hóa Sa Huỳnh tại khu vực đầm An Khê có vai trò và vị trí vô cùng quan trọng với văn hóa Sa Huỳnh tại Quảng Ngãi nói riêng và nền văn hóa Sa Huỳnh của nước ta nói chung”, tiến sĩ Khôi cho biết.

Giống như ông Trọng, nhiều người dân ở Phổ Thạnh, Phổ Khánh gắn bó gần cả cuộc đời với đầm An Khê. Họ thuộc làu những luồng lạch, hố sâu, tường tận những hầm cá, nơi các loài cá: Chép, diếc, cá đối, cá hồng, cá bống…, quần tụ trong hố nước sâu để trốn tránh sự đuổi bắt.

Khi nước dần cạn, những khoảnh đất màu mỡ lộ thiên, nông dân quanh vùng lại cày cuốc, sạ những mầm lúa tươi non rồi cùng nhau mang dụng cụ ra đầm bắt cá. Cả đêm lẫn ngày, trên mặt đầm luôn ẩn hiện bóng người dân quê lam lũ. Họ lặn ngụp giăng lưới, úp nơm, cất vó.

Trời dần về trưa, bà Lê thị Thúy (58 tuổi, xã Phổ Khánh) ngưng tay đan lưới, nhìn ra những người hàng xóm vừa cập bến đò để kịp phiên chợ, giọng bà hòa vào cơn gió mát từ đầm phả tới: "Bà con quanh đây ngoài kiếm tôm cá thì còn dùng nước ngọt ở đầm để sản xuất nông nghiệp. Không chỉ vậy, khu vực này còn liên tiếp phát hiện nhiều cổ vật về văn hóa Sa Huỳnh. Ai cũng tự hào... Chỉ mong giữ được đầm cho con cháu đời sau".

Bà Lê Thị Thúy đan lưới để bán cho dân chài.
Bà Lê Thị Thúy đan lưới để bán cho dân chài.

Theo ông Phạm Kim Oanh - Chủ tịch UBND xã Phổ Khánh, đầm An Khê có diện tích gần 350ha, nằm trên địa phận phường Phổ Thạnh và xã Phổ Khánh.

Với nguồn lợi thủy sản dồi dào, đầm là nơi mưu sinh của của các hộ dân các thôn Phú Long, Diên Trường (xã Phổ Khánh); Long Thạnh 1, Long Thạnh 2 (phường Phổ Thạnh) và đóng vai trò quan trọng đối với môi trường cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Ông Phạm Kim Oanh - Chủ tịch UBND xã Phổ Khánh.
Ông Phạm Kim Oanh - Chủ tịch UBND xã Phổ Khánh.

“Đầm An Khê gắn liền với văn hóa Sa Huỳnh nên người dân mong muốn bảo tồn và sử dụng vào mục đích gần gũi, thân thiện với môi trường. Nếu làm du lịch sinh thái sẽ là một hướng khai thác, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên và di sản văn hóa vô giá nơi đây”, ông Oanh bày tỏ.