Vương quốc Anh, Mỹ và Úc đang gấp rút mở rộng tầm ảnh hưởng của thỏa thuận hợp tác quốc phòng ba bên AUKUS tới những quốc gia đồng minh, trong bối cảnh các cuộc bầu cử lớn đang đến gần tại những nước này.
Một số nguồn tin cho biết Nhật Bản và Canada sắp tham gia trụ cột thứ hai của thỏa thuận AUKUS, trong đó chú trọng hợp tác sâu rộng về công nghệ quân sự, vào cuối năm 2024 và đầu năm 2025. Điều này xảy ra trong bối cảnh có những lo ngại về việc cựu Tổng thống Donald Trump sẽ hủy bỏ thỏa thuận AUKUS nếu ông chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11.
Thỏa thuận an ninh AUKUS được công bố lần đầu vào tháng 9/2021, trong đó, trụ cột thứ nhất liên quan đến việc Mỹ và Anh giúp Australia chế tạo tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Trụ cột thứ hai liên quan đến các thỏa thuận phát triển công nghệ quân sự trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, tên lửa siêu thanh và công nghệ lượng tử. Nhiều nguồn tin cho biết Nhật Bản, Canada, New Zealand và Hàn Quốc đang bày tỏ mong muốn tham gia trụ cột này.
Một nguồn tin cho biết chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hiện đã hoàn thành một số công việc cho trụ cột thứ hai, trước cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11 sắp tới.
Nỗ lực ngăn cản chiến thắng của ông Trump
Một quan chức Nhà Trắng nói với tờ Politico rằng ông Biden và các đối tác của mình đang tìm cách thu hút thêm đồng minh tham gia vào trụ cột thứ hai.
Dù vẫn chưa đề cập đến thỏa thuận AUKUS trước công chúng, ông Trump nhấn mạnh quan điểm “nước Mỹ trên hết”, cũng như cho biết sẽ áp dụng chính sách đối ngoại theo chủ nghĩa biệt lập hơn.
Trong bối cảnh trên, các nhà ngoại giao phương Tây đang lo lắng ông Trump sẽ đưa chính sách đối ngoại biệt lập của Mỹ trở lại. Đây là chính sách vốn từng gây ra nhiều rủi ro đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Họ yêu cầu cần gấp rút kết nạp các đối tác mới vào AUKUS khi mà những người ủng hộ hiệp ước này vẫn còn nắm giữ quyền lực Nhà Trắng.
“Trụ cột thứ hai thất bại sẽ đồng nghĩa với sự sụp đổ của AUKUS. Chúng tôi tự tin sẽ hoàn thành một số thỏa thuận thuộc hai trụ cột vào cuối năm nay” – một nhà ngoại giao cho biết.
Một quan chức tại Bộ Quốc phòng Anh tán thành với quan điểm cần phải hoàn thành trụ cột thứ hai sớm, tiết lộ đang có các cuộc thảo luận về những điều khoản cho việc thực hiện trụ cột thứ hai. Tuy nhiên, vẫn chưa có quyết định chính thức nào về việc sẽ mời Nhật Bản và Hàn Quốc tham gia thỏa thuận AUKUS.
Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand Judith Collins cho biết không có gì bảo đảm đất nước này sẽ tham gia trụ cột thứ hai của AUKUS.
Marion Messmer, chuyên gia bảo mật tại tổ chức nghiên cứu Chatham House có trụ sở tại London, cho biết: “Việc mở rộng trụ cột thứ hai là điều hợp lý, bởi đây là điều mà nhiều quốc gia quan tâm, đặc biệt là Nhật Bản, vốn nằm ở vị trí Thái Bình Dương trọng yếu”.
Nỗ lực của Vương Quốc Anh
Trong tuần này, Bộ trưởng Ngoại giao Anh David Cameron và Bộ trưởng Quốc phòng Grant Shapps sẽ đến Australia để tổ chức các cuộc gặp mặt với những người đồng cấp của nước này.
Hai quan chức trên cũng sẽ gặp Thủ tướng Australia Anthony Albanese, người dự kiến sẽ công khai thêm thông tin liên quan đến dự án tàu ngầm quan trọng trong bối cảnh những lo ngại về quyết định giảm quy mô sản xuất tàu ngầm của Mỹ - điều có thể sẽ ảnh hưởng đến thỏa thuận AUKUS.
Chuyên gia Marion Messmer cảnh báo rằng việc ông Trump thắng cử sẽ là rủi ro lớn đối với tương lai của thỏa thuận AUKUS, nhất là khi Mỹ cam kết cho Australia mượn một số tàu ngầm như một phần của thỏa thuận.
Bà cho biết: “Nếu ông Trump không muốn giao hàng do chính sách tiết kiệm hoặc không muốn làm phát sinh mâu thuẫn với Trung Quốc, thỏa thuận AUKUS sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng”.