Mỹ áp thuế 46% đối với hàng Việt: doanh nghiệp hoang mang tìm giải pháp thích ứng
Kinhtedothi - Rạng sáng 3/4 theo giờ Việt Nam, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký Sắc lệnh hành pháp, áp dụng mức thuế tối thiểu và bổ sung lên 180 thị trường nhập khẩu. Trong đó, đối với riêng Việt Nam, mức thuế theo công bố là 46%, thuộc tốp cao nhất thế giới.
Hoang mang, choáng váng
Theo ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, sáng nay (3/4), khi nghe thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế 46% lên hàng hóa Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp (DN) chế biến, xuất khẩu cá tra rất lo lắng.
“Trước đây, cá tra Việt Nam đã nhiều lần đối mặt với những lần áp thuế chống bán phá giá khi xuất khẩu sang Mỹ nhưng chưa khi nào cao như lần này. Nếu với mức thuế này thì DN sẽ rất khó khăn, ảnh hưởng tới công ăn việc làm của nhiều người” - ông Dương Nghĩa Quốc chia sẻ.
Đại diện Hiệp hội Cá tra Việt Nam cũng cho biết thêm, hiện các DN đang băn khoăn, không rõ từng mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ sẽ áp như thế nào. Do đó, kiến nghị Chính phủ, ngành chức năng sớm có thông tin cụ thể, giải pháp cần thiết để hỗ trợ DN.

Mức thuế mới của Mỹ có thể ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu nông sản Việt Nam.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoài Nam - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) nói: thông tin về việc Mỹ áp thuế 46% đối với hàng Việt khiến hiệp hội cũng như các DN xuất khẩu thủy sản rất “bối rối”.
“Việc Mỹ áp mức thuế 46% sẽ tác động rất lớn đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Tới đây, VASEP sẽ có báo cáo, đề xuất với Chính phủ và các bộ ngành liên quan, từ đó có những giải pháp để ứng phó, đảm bảo xuất khẩu được thông suốt…” - ông Nguyễn Hoài Nam nói thêm.
Trước thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế nhập khẩu với hàng chục nền kinh tế, trong đó Việt Nam chịu mức 46%, đại diện Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA) chia sẻ: các DN thực sự… “choáng váng”.
“Chính sách thuế của Mỹ khá phức tạp. Hiện, các DN đang nghe ngóng phản ứng tiếp theo từ phía các đối tác và rất kỳ vọng Chính phủ, các ngành chức năng sớm có ngay giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp..” - đại diện BIFA nhấn mạnh.
Giải pháp thích ứng cho doanh nghiệp
Liên quan đến chính sách thuế mới của Mỹ, ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch HĐQT Intimex, đồng thời là Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, chia sẻ mức thuế 46% là quá cao, vượt ngoài tầm dự đoán của DN. Đại diện lãnh đạo Intimex cho rằng giải pháp thích ứng trước mắt là đa dạng hóa thị trường; đẩy mạnh tìm kiếm và phát triển các thị trường xuất khẩu mới ngoài Mỹ. Đồng thời, gia tăng sức cạnh tranh trên cơ sở nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất và xây dựng thương hiệu.
Ở khía cạnh liên quan, ông Nguyễn Đình Tùng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vina T&T, chia sẻ DN sẽ phải cắt giảm chi phí, giảm lợi nhuận xuống để bù vào thuế; đồng thời chuyển hướng tìm những thị trường mới.
Trong khi hầu hết các hiệp hội, DN đang tỏ ra hết sức lo lắng thì ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT) lại có chia sẻ lạc quan hơn khi cho rằng, mức thuế 46% của Mỹ sẽ không áp dụng cho tất cả các mặt hàng.
Tuy nhiên, trước những thay đổi chính sách thuế của Mỹ, theo ông Nguyên, các DN phải chủ động thích ứng bằng cách tính toán, xem xét lại tất cả mọi khâu trong quá trình sản xuất, từ nguyên liệu đầu vào đến bảo quản, chế biến, chi phí logistics để giảm giá thành xuống mức thấp nhất để đảm bảo tính cạnh tranh với các quốc gia có mức thuế bị áp thấp hơn.
Về phía Chính phủ, đại diện các hiệp hội, DN kiến nghị cần nghiên cứu, có các chính sách hỗ trợ kịp thời cho các DN bị ảnh hưởng, bao gồm hỗ trợ tài chính, tìm kiếm thị trường mới và nâng cao năng lực sản xuất. Tận dụng tối đa các lợi thế từ các hiệp định thương mại đã ký kết để bù đắp cho sự sụt giảm ở thị trường Mỹ.
Trích dẫn
“Chúng tôi phải tìm hiểu kỹ việc này, không thể vội vàng đưa ra các thông tin gây lo lắng. Mức thuế cao hay thấp, với từng mặt hàng thế nào, ảnh hưởng ra sao, chúng ta phải có ngay sự cập nhật để đánh giá tác động. Vấn đề quan trọng là tìm ra giải pháp để ứng phó với việc áp thuế này của phía Mỹ...” - Ông Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam.

Tăng chiều sâu trong liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản
Kinhtedothi - Những năm qua, Hà Nội đã liên kết với nhiều tỉnh, thành phố xây dựng, phát triển các chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản nhằm bảo đảm nguồn cung ứng nông sản an toàn, chất lượng và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô.

Nông sản Việt đối diện với bài toán chất lượng
Kinhtedothi - Dù thu về hàng chục tỷ USD xuất khẩu mỗi năm, song nông sản Việt vẫn đối diện với hàng loạt cảnh báo từ đối tác nhập khẩu. Thực trạng này đòi hỏi các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp phải nghiêm túc khắc phục nhằm xây dựng thương hiệu, giữ vị thế trên thị trường.

Malaysia siết chặt điều kiện nhập khẩu nông sản từ Việt Nam và các nước
Kinhtedothi - Malaysia đang lấy ý kiến cho việc “Thêm nội dung mới đối với quy định thực phẩm năm 1985 [P.U.(A) 437/1985] - Phần IIB: Chương trình Đảm bảo an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu”, nhằm siết chặt quy định nhập khẩu nông sản từ các quốc gia (bao gồm cả Việt Nam).