Từ đầu tháng 7 tới, hãng dầu Italia Eni SpA và Repsol SA của Tây Ban Nha sẽ bắt đầu chở dầu mỏ từ Venezuela để bù đắp cho nguồn cung dầu từ Nga. Bước đi này sẽ nối lại thỏa thuận đổi dầu mỏ để trừ nợ mà Washington ngừng từ cách đây 2 năm để gia tăng sức ép đối với chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro.
Reuters dẫn các nguồn tin cho biết lượng dầu mà Eni và Repsol nhận được không lớn và tác động lên giá dầu toàn cầu sẽ không đáng kể. Tuy nhiên, việc Washington "bật đèn xanh" cho việc nối lại nguồn dầu mỏ bị gián đoạn từ lâu từ Venezuela có thể tạo nên cú hích cho Tổng thống Maduro.
Theo các phương tiện truyền thông, động thái này về cơ bản sẽ là một sự nối lại của "hoán đổi dầu lấy nợ" - nơi dầu được chấp nhận để đổi lấy khoản nợ tích lũy của Venezuela - đã bị ngừng từ năm 2020, khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, đang cố gắng gây áp lực lên quốc gia Nam Mỹ.
Các nguồn tin cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ đã đồng ý cho 2 công ty nói trên được nối lại hoạt động vận chuyển dầu từ Venezuela. Theo các nguồn tin trên, hai công ty năng lượng của châu Âu có liên doanh với công ty dầu mỏ quốc gia Venezuela PDVSA sẽ nhận dầu từ Venezuela để trừ nợ và lãi.
Một điều kiện đối với phía Venezuela là dầu phải được đưa đến châu Âu chứ không phải bán lại ở nơi khác.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden hy vọng nguồn cung dầu từ Venezuela có thể giúp châu Âu giảm bớt sự phụ thuộc vào nhiên liệu của Nga và chuyển hướng một phần dầu mỏ của Venezuela khỏi Trung Quốc.
Washington tin rằng PDVSA sẽ không hưởng lợi về tài chính từ những giao dịch không có tiền như thế này, khác với việc bán dầu cho Trung Quốc. Trung Quốc không tham gia các lệnh trừng phạt Nga và vẫn tiếp tục mua dầu mỏ và khí đốt của Moscow.
Hai công ty Eni và Repsol chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về thông tin của Reuters. Theo báo cáo được PDVSA công bố hôm 3/6, công ty dầu mỏ quốc gia Venezuela chưa có kế hoạch cung cấp dầu cho Eni và Repsol trong tháng này.