Theo thông cáo của Bộ Tư pháp Mỹ, Shenghua Wen, một công dân Trung Quốc 41 tuổi đang cư trú bất hợp pháp tại thành phố Ontario, bang California (Mỹ) đã bị bắt vào sáng 3/12 (giờ địa phương) với cáo buộc âm mưu vi phạm Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA).
Kênh CNN, dẫn đơn khiếu nại từ các công tố viên Mỹ, cho biết trong các cuộc thẩm vấn với Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI), Wen khai đã được trả 2 triệu USD để mua và vận chuyển trái pháp vũ khí, đạn dược cùng các thiết bị liên quan đến quân sự khác để "chuẩn bị cho một cuộc tấn công vào Hàn Quốc". Người này còn tiết lộ được giao nhiệm vụ đánh cắp một số đồng phục của lính Mỹ nhằm ngụy trang cho các phần tử thực hiện ý đồ trên.
Các công tố viên cũng cáo buộc Wen lập ra một công ty xuất khẩu tại bang Texas để tạo vỏ bọc cho việc thu mua, vận chuyển vũ khí và đạn dược đến thành phố Los Angeles. Tại đây, chúng được giấu trong các container hàng hóa với bản kê khai hàng tồn kho giả để vận chuyển ra bên ngoài nước Mỹ.
Trong quá trình khám xét nơi cư trú của Wen, lực lượng an ninh đã thu giữ 50.000 viên đạn, một thiết bị phát hiện hóa chất và một công cụ phát hiện thiết bị nghe lén. Bên cạnh đó, FBI còn tìm thấy nhiều tin nhắn "giữa Wen và một số đồng phạm có hình ảnh vũ khí và thiết bị điện tử" trên điện thoại của đối tượng này.
Shenghua Wen đến Mỹ năm 2012 bằng thị thực du học sinh, và bị xem là đối tượng cư trú bất hợp pháp vì vẫn ở lại nước này dù thị thực đã quá hạn. Điều này đồng nghĩa với việc người này bị cấm sở hữu hoặc vận chuyển bất kỳ loại vũ khí, đạn dược nào theo quy định của IEEPA.
Theo Viện Thông tin Pháp lý thuộc Đại học Cornell (Mỹ), những hành vi bị xem là vi phạm IEEPA bao gồm thực hiện các giao dịch tiền mặt hoặc vật phẩm đối với một hoặc nhiều thực thể đang chịu các lệnh trừng phạt ở cấp độ quốc tế. Bất kỳ đối tượng nào vi phạm IEEPA đều phải chịu các hình phạt dân sự và hình sự nghiêm trọng.
Nếu bị kết tội vi phạm IEEPA, Wen sẽ phải đối mặt với mức án lên tới 20 năm tù. "Hậu quả của những hành động này không thể được cường điệu hóa khi công nghệ và các mặt hàng nhạy cảm rơi vào tay kẻ xấu, đặc biệt là các quốc gia thù địch," Shawn Gibson - đặc vụ Cơ quan Điều tra An ninh Nội địa Mỹ, cho biết.
Đáng chú ý, vụ việc xảy ra trong bối cảnh Hàn Quốc đang đối diện một cuộc khủng hoảng chính trị mới. Đêm 3/12, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol bất ngờ ban bố thiết quân luật và chỉ trích đảng Dân chủ (DP) đối lập, bên chiếm thế đa số ở quốc hội, "chống phá nhà nước". Nhưng chỉ vài giờ sau, Tổng thống Yoon thông báo chấp nhận gỡ thiết quân luật theo yêu cầu của Quốc hội Hàn Quốc.
Giới chức Bộ Tư pháp Mỹ khẳng định vụ bắt giữ không dính dáng gì đến tình hình chính trị ở Hàn Quốc.
Trong một diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 4/12 cho biết chính phủ Mỹ hoan nghênh quyết định dỡ bỏ thiết quân luật khẩn cấp của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol. Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh, Mỹ mong đợi Hàn Quốc “sẽ giải quyết các bất đồng chính trị một cách hòa bình”, đồng thời tái khẳng định sự ủng hộ của Washington với đồng minh Seoul.
Hiện tại, hàng nghìn quân nhân Mỹ vẫn đang đồn trú ở Hàn Quốc để giúp tăng cường an ninh và ổn định trong khu vực.