Mỹ bất ngờ tạm dừng cấp thị thực cho các sinh viên quốc tế
Kinhtedothi - Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bất ngờ ra lệnh cho các đại sứ quán Mỹ trên toàn cầu ngừng lên lịch phỏng vấn thị thực mới dành cho các đối tượng sinh viên quốc tế hoặc người sang Mỹ với mục đích trao đổi học thuật.
Theo một điện tín nội bộ từ Bộ Ngoại giao Mỹ được hãng thông tấn Reuters và trang tin Politico tiết lộ, lệnh này được đưa ra nhằm chuẩn bị cho việc mở rộng kiểm tra mạng xã hội đối với tất cả các ứng viên xin thị thực diện sinh viên (F, M) và khách trao đổi (J).
Điện tín do Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio ký ngày 27/5 yêu cầu các đại sứ quán và lãnh sự quán Mỹ trên toàn cầu ngừng ngay việc bổ sung lịch phỏng vấn mới cho các loại thị thực kể trên. Các cuộc phỏng vấn được lên lịch trước đó vẫn được phép diễn ra theo quy định hiện hành, song các khung giờ trống còn lại phải bị hủy bỏ.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ ra lệnh cho các đại sứ quán Mỹ trên toàn cầu ngừng lên lịch phỏng vấn thị thực mới dành cho các đối tượng sinh viên quốc tế hoặc sang Mỹ với mục đích trao đổi học thuật. Ảnh: LinkedIn
Bên cạnh đó, Bộ Ngoại Mỹ giao đang tiến hành rà soát quy trình kiểm tra và thẩm định ứng viên, với kế hoạch ban hành hướng dẫn mới về việc mở rộng kiểm tra mạng xã hội trong vài ngày tới. Quy trình này sẽ yêu cầu các lãnh sự quán điều chỉnh hoạt động, quy trình và phân bổ nguồn lực để đáp ứng khối lượng công việc tăng thêm từ việc kiểm tra kỹ lưỡng các bài đăng, bình luận và chia sẻ trên các nền tảng như Facebook, Instagram, X hay TikTok.
Động thái này là một phần trong nỗ lực của chính quyền Tổng thống Trump nhằm thắt chặt chính sách nhập cư, bao gồm việc tăng cường trục xuất và thu hồi thị thực sinh viên. Giới chức Washington cho rằng một số sinh viên quốc tế có thể đe dọa an ninh quốc gia hoặc ủng hộ các tổ chức bị xem là khủng bố, đặc biệt liên quan đến các hoạt động phản đối chính sách của Israel ở Dải Gaza (Palestine).
Theo một báo cáo khác từ Politico, từ tháng 3, nhân viên các đại sứ quán và lãnh sự quán của Mỹ đã được yêu cầu kiểm tra mạng xã hội của ứng viên tham gia biểu tình ủng hộ Palestine, đồng thời lưu trữ vĩnh viễn bằng chứng về các bài đăng "có khả năng bôi nhọ" ngay cả khi chúng đã bị xóa. Tuy nhiên, quy trình mới sẽ mở rộng phạm vi áp dụng lên tất cả sinh viên quốc tế, không chỉ những người bị nghi ngờ hoạt động chính trị.
ĐỌC NGAY: Harvard bị cắt quyền bảo trợ thị thực, 7.000 sinh viên quốc tế có thể bị trục xuất
Giới phê bình cho rằng chính sách này vi phạm quyền tự do ngôn luận và nhắm vào sinh viên một cách không công bằng. Một trường hợp gây tranh cãi điển hình là Rümeysa Öztürk, một nghiên cứu sinh hệ tiến sĩ tại Đại học Tufts, bị giam hơn 6 tuần tại một trung tâm giam giữ nhập cư ở bang Louisiana sau khi đồng viết một bài báo bày tỏ quan điểm ủng hộ Palestine. Cô chỉ được thả sau khi một thẩm phán liên bang cho phép tại ngoại.
Quyết định tạm dừng thị thực cũng đe dọa nguồn thu của các trường đại học Mỹ, vốn phụ thuộc vào sinh viên quốc tế. Theo số liệu từ Hiệp hội các nhà giáo dục quốc tế (NAFSA), sinh viên quốc tế, chiếm khoảng 5,9% trong tổng số gần 19 triệu sinh viên tại Mỹ, đóng góp gần 43,8 tỷ USD cho nền kinh tế và hỗ trợ hơn 378.000 việc làm trong năm học 2023-2024. Các đại học New York (NYU), Northeastern và Columbia có số lượng sinh viên quốc tế đông đảo, với hơn 21.000 sinh viên tại NYU và khoảng 6.800 sinh viên tại Harvard, tương đương 27% tổng số sinh viên của trường này.
Sinh viên quốc tế thường đóng học phí đầy đủ, giúp các trường cung cấp thêm hỗ trợ tài chính cho sinh viên Mỹ. Do đó, NAFSA cho rằng việc tạm dừng cấp thị thực có thể làm giảm mạnh số lượng sinh viên quốc tế, gây áp lực tài chính nghiêm trọng cho các trường.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Tammy Bruce từ chối bình luận về nội dung bức điện tín, song khẳng định Mỹ có quyền kiểm tra kỹ lưỡng bất kỳ ai muốn nhập cảnh. Trong khi đó, giới chức giáo dục lo ngại về tác động kinh tế và văn hóa của lệnh hạn chế. Fanta Aw, Giám đốc điều hành NAFSA, cho rằng chính sách này không công bằng đối với những sinh viên quốc tế chăm chỉ và là tài sản quý giá của nước Mỹ. Bà đặt câu hỏi về việc sử dụng nguồn lực của các lãnh sự quán và tiền thuế của người dân cho việc kiểm tra mạng xã hội, trong khi các sinh viên này không phải là mối đe dọa.
Thậm chí, một số đồng minh của Tổng thống Trump như doanh nhân Kevin O’Leary, dù lên tiếng ủng hộ việc kiểm tra lý lịch, nhưng đề xuất sinh viên quốc tế tốt nghiệp từ các trường như Harvard nên được khuyến khích ở lại để khởi nghiệp và tạo việc làm tại Mỹ.
Các nền tảng mạng xã hội như Meta, Google, X, TikTok và các công ty khác chưa đưa ra bình luận về chính sách này. Trong bối cảnh căng thẳng giữa chính quyền Tổng thống Trump và các trường đại học ngày càng leo thang, quyết định tạm dừng phỏng vấn thị thực sinh viên quốc tế không chỉ ảnh hưởng đến hàng trăm nghìn sinh viên trên toàn cầu mà còn đe dọa vị thế của Mỹ như một điểm đến giáo dục hàng đầu.

Chính quyền ông Trump đổi ý, khôi phục chính sách thị thực cho du học sinh nước ngoài
Kinhtedothi - Ngày 25/4, chính quyền Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ khôi phục tình trạng pháp lý cho toàn bộ du học sinh quốc tế có hồ sơ bị hủy trong những tuần gần đây.

Ông Trump bất ngờ ủng hộ đề xuất thị thực gây tranh cãi của Elon Musk
Kinhtedothi - Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump bất ngờ lên tiếng ủng hộ đề xuất về quyền sử dụng thị thực H-1B của tỷ phú Elon Musk, bất chấp sự phản đối của một số người ủng hộ.

Mỹ, Canada đẩy mạnh ý tưởng kinh doanh sáng tạo thông qua thị thực khởi nghiệp
Kinhtedothi - Nhận thẻ xanh định cư Mỹ và Canada cho cả gia đình không còn là điều xa xỉ khi các nhà đầu tư sở hữu ý tưởng kinh doanh sáng tạo, độc đáo.