Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mỹ chốt thời hạn xóa TikTok khỏi các thiết bị liên bang

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 27/2, Nhà Trắng cho các cơ quan chính phủ 30 ngày để xóa ứng dụng TikTok của Trung Quốc trên các thiết bị và hệ thống liên bang.

Tất cả các cơ quan liên bang của Mỹ phải xóa ứng dụng TikTok khỏi điện thoại và hệ thống. Ảnh: Reuters
Tất cả các cơ quan liên bang của Mỹ phải xóa ứng dụng TikTok khỏi điện thoại và hệ thống. Ảnh: Reuters

Trong nỗ lực đảm bảo an toàn cho dữ liệu của Mỹ, tất cả các cơ quan liên bang phải xóa ứng dụng TikTok khỏi điện thoại và hệ thống, đồng thời cấm truy cập Internet đến công ty này, Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách Shalanda Young chỉ thị các cơ quan liên quan trong một bản hướng dẫn mà phóng viên Reuters xem được.

Lệnh cấm - được Quốc hội Mỹ đưa ra vào cuối năm 2022 - tuân theo các hành động tương tự từ Canada, EU, Đài Loan (Trung Quốc) và hơn một nửa các bang của Mỹ.

Lệnh cấm trên chỉ ảnh hưởng đến một phần nhỏ thị trường người dùng TikTok ở Mỹ, nhưng tiếp thêm động lực cho những lời kêu gọi cấm hoàn toàn ứng dụng chia sẻ video này. Những lo ngại về an ninh quốc gia đã gia tăng trong những tuần gần đây sau vụ một khinh khí cầu Trung Quốc bay vào không phận Mỹ và bị bắn hạ.

TikTok, ứng dụng thuộc sở hữu của ByteDance, cho biết những lo ngại nói trên bắt nguồn từ thông tin sai lệch và phủ nhận sử dụng ứng dụng này để theo dõi người Mỹ. 

Lệnh cấm không ảnh hưởng đến hơn 100 triệu người Mỹ sử dụng TikTok trên các thiết bị cá nhân hoặc do công ty sở hữu. TikTok hiện chưa có bình luận về bản yêu cầu của Nhà Trắng.

Trước đó, hồi tháng 12 năm ngoái, Quốc hội Mỹ đã bỏ phiếu cấm nhân viên liên bang sử dụng ứng dụng video của Trung Quốc trên các thiết bị do chính phủ sở hữu và cho chính quyền Tổng thống Joe Biden 60 ngày để ban hành chỉ thị. Cuộc bỏ phiếu là hành động mới nhất của các nhà lập pháp Mỹ để trấn áp các công ty Trung Quốc, trong bối cảnh có lo ngại về an ninh quốc gia rằng Bắc Kinh có thể sử dụng chúng để theo dõi người Mỹ.

Theo Giám đốc An ninh Thông tin Liên bang Chris DeRusha, hướng dẫn này là một phần trong cam kết liên tục của chính quyền nhằm đảm bảo cơ sở hạ tầng kỹ thuật số quốc gia và bảo vệ an ninh và quyền riêng tư của người dân Mỹ.

Nhiều cơ quan chính phủ bao gồm Nhà Trắng, Bộ Quốc phòng, Bộ An ninh Nội địa và Bộ Ngoại giao đã cấm TikTok khỏi các thiết bị của chính phủ trước cuộc bỏ phiếu.

Lệnh cấm TikTok không áp dụng nếu có các hoạt động nghiên cứu an ninh, thực thi pháp luật hoặc an ninh quốc gia nhưng lãnh đạo cơ quan phải phê duyệt các hoạt động này, và "không được phép áp dụng các ngoại lệ chung cho toàn bộ cơ quan".

Ngày 28/2, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện sẽ bỏ phiếu về dự luật trao cho Tổng thống Biden quyền cấm TikTok trên toàn bộ các thiết bị của Mỹ.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mike McCaul nhấn mạnh: “Dự luật của tôi trao quyền cho chính quyền cấm TikTok hoặc bất kỳ ứng dụng phần mềm nào đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ”.

Bản hướng dẫn của Nhà Trắng nêu rõ, trong vòng 90 ngày, các cơ quan phải giải quyết mọi hoạt động sử dụng TikTok của các nhà cung cấp công nghệ thông tin qua hợp đồng và trong 120 ngày, các cơ quan sẽ đưa ra lệnh cấm mới đối với TikTok.

Trước đó, hôm 27/2, Canada tuyên bố cấm TikTok khỏi các thiết bị do chính phủ cấp, bởi mức độ rủi ro “không thể chấp nhận được” đối với quyền riêng tư và bảo mật. Hồi tuần trước, 2 tổ chức hoạch định chính sách lớn nhất của Liên minh châu Âu đã cấm nhân viên sử dụng TikTok trên điện thoại vì lý do an ninh mạng.