Mỹ đang đổ hàng trăm tỷ USD vô ích tại Ukraine?

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kể cả khi xung đột Ukraine kết thúc, Mỹ vẫn phải hao tổn khoảng 600 trăm tỷ USD cho các công cuộc tái thiết lại Kiev.

Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine diễn ra, nền kinh tế số một thế giới đã phải đổ  hàng trăm tỷ USD để viện trợ cho Kiev, bao gồm các khoản hỗ trợ về quân sự, ngân sách và tái thiết.

Khung cảnh đổ nát của thành phố Mariupol trong cuộc chiến Nga-Ukraine. Nguồn: CNN
Khung cảnh đổ nát của thành phố Mariupol trong cuộc chiến Nga-Ukraine. Nguồn: CNN

Tổng thống Biden vừa xin thêm 24 tỷ USD nhằm hỗ trợ Ukraine về thiết bị quân sự. Đây chỉ là con số nhỏ so với khoản chi khổng lồ mà Mỹ phải bỏ ra để tái thiết Kiev sau khi chiến tranh kết thúc, làm “dấy lên” mối lo ngại trong Quốc hội Mỹ.

Dựa trên cơ sở dữ liệu từ cuộc chiến, Ngân hàng Thế giới ước tính rằng công cuộc tái thiết Ukraine sẽ hao tổn 411 tỷ USD và kéo dài trong quãng thời gian 10 năm. Thậm chí, trong một viễn cảnh tồi tệ hơn, con số này sẽ lên tới 600 tỷ USD.

Trước đó, Mỹ đã phải chi 60 tỷ USD cho chương trình tái thiết sau cuộc chiến ở Iraq và 90 tỷ USD trong 12 năm để hỗ trợ Afghanistan. Tuy nhiên, các khoản viện trợ của Washington đang bị hao tổn nghiêm trọng, do nạn tham nhũng ở Iraq và việc ngang nhiên chiếm đoạt của thể lực Taliban ở Afghanistan.

Hiện nay, để hỗ trợ Kiev, Mỹ và các đồng minh ước tính sẽ phải chi ra 60 tỷ USD/năm và duy trì trong 10 năm. Thậm chí, có nhiều đồn đoán rằng phần lớn nguồn viện trợ đang bị đánh cắp ở Ukraine, nơi đang tràn ngập tham nhũng này.

Càng khó khăn hơn cho nền kinh tế số một thế giới khi các đồng minh khác cũng rơi vào những rắc rối của riêng mình.

Những khoản viện trợ 5 tỷ USD của Đức đối với Ukraine sẽ có thể bị ảnh hưởng khi chính phủ mới lên nắm quyền. Hay Vương Quốc Anh cũng lâm vào tình cảnh tương tự khi quốc gia này đang gặp khó khăn về kinh tế và đối mặt với những thách thức trong việc tìm kiếm nguồn tiền trong tương lai.

Một dấu hiệu không mấy tích cực nữa là mong muốn kéo dài chiến tranh của một số quan chức Washington - xuất phát từ niềm tin rằng Mỹ chỉ cần hỗ trợ quân sự và ngân sách cho Kiev mà không phải hỗ trợ tái thiết - đang vấp phải những ngờ vực của Quốc hội, cơ quan trực tiếp chi tiền viện trợ cho cuộc chiến, về việc số tiền này sẽ đi đâu, được sử dụng như thế nào?

Thêm vào đó, khi thời điểm then chốt cho cuộc bầu cử Tổng thống đang đến gần, việc hầu hết người Mỹ cũng như các ứng cử viên quan trọng như ông Robert Kennedy Jr phản đối tăng cường viện trợ cho Ukraine sẽ khiến cho Tổng thống Biden gặp khó khăn trong việc thuyết phục Quốc hội tiếp tục chi tiền.

Không chỉ là vấn đề của riêng nước Mỹ, Ukraine cũng đang tràn ngập trong tham nhũng khi các chính trị gia nước này được cho là đã bí mật chiếm đoạt phần lớn nguồn viện trợ và chuyển một phần tài sản của mình ra nước ngoài. Thậm chí, ông Hunter, con trai của Tổng thống Biden, đang dính líu vào một cuộc điều tra về các khoản thanh toán và các hoạt động khác liên quan đến công ty cổ phần năng lượng Burisma của Ukraine và các giao dịch ở Trung Quốc. Tất nhiên, Đảng Cộng hòa chiếm ưu thế tại Hạ viện sẽ tìm cách buộc vị tổng thống đương nhiệm liên quan đến vụ điều tra này.

Tham những tràn lan ở Ukraine đang khiến Washington lo ngại khi rót các khoản tiền tái thiết vào quốc gia này. Trong tháng này, Tổng thống Zelensky đã phải sa thải một loạt các nhà tuyển quân do hành vi bán thẻ tuyển dụng cho những người đang tìm cách trốn nghĩa vụ.

Suy cho cùng, đổ tiền cho Ukraine là hoạt động tốn kém nhất mà Washington từng thực hiện. Thậm chí, con số 13,3 tỷ USD – tương đương với 173 tỷ USD nếu tính theo giá trị của USD vào năm 2023 - mà Mỹ bỏ ra cho kế hoạch Marshall vào năm 1948 nhằm tái thiết châu Âu sau Thế chiến II chỉ bằng một phần ba chi phí tái thiết cho Ukraine.

Đã đến lúc, người Mỹ cần đặt ra câu hỏi rằng họ sẽ nhận được gì khi mà những khoản chi khổng lồ cho xung đột Ukraine đang đè nặng lên đôi vai mình. Nền kinh tế số một thế giới chắc chắn sẽ phải bỏ ra một lượng USD khổng lồ hơn nữa để hỗ trợ cho Kiev mà kết quả thu được vẫn còn khá mơ hồ, nhất là khi Moscow vẫn “sống tốt” bất chấp các lệnh trừng phạt.