Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mỹ kỳ vọng gì vào chuyến công du châu Âu của ông Pompeo?

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giới phân tích cho rằng trọng tâm chuyến thăm châu Âu của Ngoại trưởng Pompeo lần này sẽ là chiến dịch vận động các nước không hợp tác với tập đoàn viễn thông Huawei, vốn bị Washington xem là mối đe dọa về an ninh.

Trong chuyến công du 4 nước Trung và Đông Âu gồm: Cộng hòa Séc, Áo, Slovenia và Ba Lan, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo dự kiến sẽ nêu những mối lo ngại của nước này về việc một số quốc gia đồng minh NATO, đã cho phép tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc tham gia vào mạng lưới 5G, cũng như quan ngại của Washington về việc châu Âu phụ thuộc vào năng lượng của Nga.
Ngày 11/8, Ngoại trưởng Mike Pompeo bắt đầu thăm Cộng hòa Séc, chặng dừng chân đầu tiên của ông trong chuyến công du 5 ngày tới 4 nước Trung và Đông Âu.
Chuyến công du lần này là chuyến thăm nước ngoài thứ 3 của Ngoại trưởng Pompeo kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Giới phân tích cho rằng trọng tâm chuyến thăm của Ngoại trưởng Pompeo tới khu vực lần này sẽ là chiến dịch vận động các nước không hợp tác với tập đoàn viễn thông Huawei, vốn bị Washington xem là mối đe dọa về an ninh.
Ngày 11/8, Ngoại trưởng Pompeo đã đến thủ đô Praha của Cộng hòa Séc, chặng dừng chân đầu tiên của ông trong chuyến công du 5 ngày tới 4 nước Trung và Đông Âu. Sau đó một ngày, ông Pompeo sẽ gặp lãnh đạo các công ty công nghệ của Séc và Mỹ hoạt động trong lĩnh vực 5G, trước khi hội đàm với Thủ tướng nước chủ nhà Andrej Babis. Ngoại trưởng Mỹ cũng sẽ có bài phát biểu trước Thượng viện Séc và có cuộc gặp ngắn với Tổng thống Séc Milos Zeman.
Trong khi đó, chuyến thăm Slovenia của ông Pompeo sẽ tập trung vào tình hình chính trị và năng lượng ở khu vực Balkans. Ông Pompeo cũng dự kiến sẽ có bài phát biểu với Ngoại trưởng Slovenia về an ninh của mạng 5G và sẽ ký một tuyên bố chung về an ninh 5G đồng thời có cuộc gặp với Thủ tướng Slovenia để thảo luận về lĩnh vực này.
Trong thời gian tại Áo, Ngoại trưởng Pompeo sẽ gặp người đồng cấp để thảo luận quan hệ thương mại và an ninh khu vực và cũng sẽ gặp người đứng đầu Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) - cơ quan có nhiệm vụ giám sát việc Iran tuân thủ Thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015, thỏa thuận mà Mỹ đã rút khỏi tháng 5/2018.
Ngoại trưởng Pompeo dự kiến sẽ tìm cách thuyết phục các thành viên khác của Hội đồng bảo an nhằm kéo dài không thời hạn lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran sẽ hết hạn vào tháng 10 tới.
Tại điểm dừng chân cuối cùng ở Ba Lan, Ngoại trưởng Pompeo sẽ thảo luận các biện pháp thúc đẩy mối quan hệ quốc phòng, đảm bảo mạng 5G và cải thiện cơ sở hạ tầng năng lượng khu vực.
Bên cạnh đó, vấn đề an ninh năng lượng là chủ đề hàng đầu trong các cuộc thảo luận với các nhà lãnh đạo Đông Âu khi dự án Dòng chảy phương Bắc 2 đưa khí đốt từ Nga sang Đức gần hoàn thành.
Chuyến đi của Bộ trưởng Pompeo diễn ra trong bối cảnh Mỹ vừa thông báo rút gần 12.000 quân ra khỏi Đức, chuyển trụ sở Bộ chỉ huy sang Bỉ với nhiều lần chỉ trích Đức trong vấn đề chi tiêu quốc phòng, cũng như cáo buộc Đức lợi dụng Mỹ trong lĩnh vực thương mại.
Hiện có nhiều lo ngại tại châu Âu về kế hoạch rút quân và tái triển khai quân của Mỹ, làm nảy sinh bất đồng và chia rẽ giữa các nước châu Âu. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper nhiều lần trấn châu Âu, cho rằng kế hoạch điều động binh  không gây tổn hại cho NATO và nhằm ngăn chặn sự can thiệp của Nga vào châu Âu.
Sau một loạt các quan chức Mỹ đến thăm châu Âu để củng cố chiến lược hạn chế sự ảnh hưởng của Trung Quốc, giới quan sát nhận định chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ kéo dài từ 11 - 15/8 mang ý nghĩa biểu tượng nhiều hơn.
Ông Ian Lesser - Phó Chủ tịch quỹ Marshall của Mỹ có trụ sở tại Brussels, nhận định: "Nếu Mỹ muốn giải quyết các vấn đề quan trọng của mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương vào thời điểm này, Ngoại trưởng Mỹ nên đến Bỉ, Pháp hay Đức. Chọn các quốc gia Trung và Đông Âu, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như muốn tạo ấn tượng thành công trong chính sách đối ngoại trước thềm bầu cử Mỹ.