Mỹ - Nga: Kỳ vọng gì cho Thượng đỉnh đầu tiên?

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đồng ý gặp nhau tại Geneva, Thụy Sĩ vào ngày 16/6 tới, đánh dấu cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên kể từ khi ông Biden nhậm chức.

Mặc dù căng thẳng và tranh chấp đã gia tăng trong gần nửa năm qua, cuộc gặp song phương được cho khó tạo ra thay đổi đáng kể nào, khi phải giải quyết những khác biệt cơ bản lâu đời trong mối quan hệ Nga - Mỹ.
Nhiều bế tắc, ít đột phá

Nhìn lại lịch sử, các nhà lãnh đạo Nga - Mỹ đã gặp nhau không ít lần để thảo luận về các vấn đề toàn cầu, bao gồm cả phạm vi ảnh hưởng của họ ở các khu vực khác nhau trên thế giới. Năm 2019 là lần gần nhất Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp một người đồng cấp Mỹ - Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, cuộc gặp sắp tới của ông Putin với Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden tại Geneva lại khiến một số chuyên gia bật ra so sánh với cuộc tương tác sôi động giữa các nhà lãnh đạo của 2 cường quốc diễn ra tại chính thành phố này, hơn 30 năm trước.
 Năm 2011, Thủ tướng Nga Vladimir Putin tiếp Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Điện Kremlin. Ảnh AFP
Nhà lãnh đạo Liên Xô Mihail Gorbachev và Tổng thống Mỹ Ronald Reagan đã gặp nhau tại thanh phố của Thụy Sĩ vào năm 1985, khi Chiến tranh Lạnh sắp kết thúc. Họ thảo luận về các vấn đề như chạy đua vũ trang, cắt giảm vũ khí hạt nhân và vẽ lại các khu vực ảnh hưởng của mỗi quốc gia. “Một Gorbachev đang cố gắng quản lý Liên bang Xô Viết đang suy tàn nhanh chóng so với Mỹ lúc bấy giờ trong mọi khía cạnh, bao gồm cả vị thế kinh tế, nhân khẩu học, ý thức hệ và quân sự. Trong khi Mỹ lúc đó đang tiến đến một loại đỉnh cao mới” - Giáo sư khoa học chính trị Sener Akturk tại Đại học Koc, nói với TRT World.

Bàn về Thượng đỉnh Nga - Mỹ ngày 16/6 tới, ông Akturk cho rằng vị thế của Tổng thống Biden lại đang có phần giống với nhà lãnh đạo Gorbachev, do bối cảnh nước Mỹ hiện tại, trong khi đánh giá Tổng thống Putin đã làm tốt nhất có thể để “đại diện cho một nước Nga đang hồi sinh”. Moscow dưới thời Tổng thống Putin đang theo đuổi chính sách đối ngoại tích cực trên khắp Trung Đông và vẫn giữ ảnh hưởng lớn tại Ukraine, Belarus… Và không giống như các nhà lãnh đạo Liên Xô trước đây, ông Putin được cho đang có một số lợi thế địa chính trị trong việc tiếp cận các cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ, khi liên minh phương Tây không còn nhất trí về vấn đề bản chất của mối đe dọa từ Nga.

Từ đó, Giáo sư Akturk nhận định sẽ không có đột phá đáng kể nào đối với các nút thắt lớn còn tồn tại, bao gồm những bế tắc ở Ukraine và Syria - những nơi Moscow và Washington đang ở hai đầu đối lập. Trong khi Esref Yalinkilicli, cây bút chuyên phân tích chính trị cho Eurasia có trụ sở tại Moscow đánh giá, Nga dường như ít quan tâm nhất đến việc đưa ra bất kỳ nhượng bộ nào cho Mỹ ở Belarus, nơi các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ đòi tổng thống được Moscow ủng hộ phải từ chức. “Nga không muốn Belarus trở thành Ukraine thứ 2. Sau kinh nghiệm của Ukraine, Nga sẽ không cho phép một quốc gia Đông Âu khác xa lánh mình”, Yalinkilicli nói, đề cập đến phong trào ủng hộ dân chủ từng lật đổ chính phủ do Nga hậu thuẫn ở Kiev vào năm 2014.

Trong khi đó, Mỹ và Nga cũng phải đối mặt với loạt vấn đề khác của riêng 2 quốc gia trong những năm gần đây, bao gồm việc Moscow bị cáo buộc can thiệp vào bầu cử ở Mỹ và các vụ tấn công mạng. Chính quyền Biden gần đây còn gia tăng sức ép lên Moscow bằng các lệnh trừng phạt sau vụ nhà hoạt động đối lập Điện Kremlin Alexei Navalny nghi bị đầu độc. Trong bối cảnh của rất nhiều thách thức, chuyên gia Yalinkilicli lưu ý: “Người Nga không mong đợi bất kỳ bước đột phá nào trong các vấn đề khu vực. Chính các quan chức Nga cũng đã nhấn mạnh rằng mọi người cần hạ thấp các kỳ vọng”.

Trả lời TASS hôm 8/6, Chủ tịch Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế Aleksandr Dynkin dự báo sẽ không có thay đổi cốt yếu nào trong quan hệ Nga - Mỹ sau hội nghị thượng đỉnh Putin - Biden, dù vẫn mong cả hai nhà lãnh đạo có thể vạch ra một hệ thống an ninh và ổn định chiến lược mới. “Nhiều nhà báo có xu hướng mong đợi một số sự kiện kịch tính mang tính cách mạng, nhưng trên thực tế, tôi tin rằng sẽ không có điều gì như thế này xảy ra” - ông Aleksandr nói, “chúng tôi đã có nhiều kinh nghiệm về quan hệ với Mỹ, đã tích lũy được vốn kiến thức và kinh nghiệm đáng kể cả về cấu trúc nhà nước và cộng đồng chuyên gia. Đó là lý do tại sao không có những kỳ vọng màu hồng”.

Một trận đấu trí

Và thay vì hy vọng có thể đạt được bất cứ thỏa thuận chung nào, cuộc gặp Putin - Biden ngày 16/6 tới lại được dự đoán có thể tạo ra màn “đấu khẩu” thể hiện trí tuệ của 2 nhà lãnh đạo, dựa trên các tiền lệ mà thế giới từng chứng kiến. Thực tế, 2 nhà lãnh đạo đã gặp nhau trước đó, vào năm 2011, khi ông Biden còn là Phó Tổng thống Mỹ của chính quyền Barack Obama, và ông Putin bấy giờ là Thủ tướng Nga. Trong cuộc gặp năm đó diễn ra tại Điện Kremlin, ông Biden đã chế nhạo ông Putin sau khi đến thăm Văn phòng Thủ tướng Nga. “Thật ngạc nhiên về những gì chủ nghĩa tư bản đã làm được phải không?”, ông Biden nói, sau đó tiếp tục, “Ngài Thủ tướng, tôi đang nhìn vào mắt ông và tôi không nghĩ ông có linh hồn”.

“Chúng ta hiểu nhau mà” - ông Putin đáp lại.

10 năm trôi qua, ông Biden, nay đã là Tổng thống Mỹ, gần đây còn dùng những lời lẽ cay nghiệt hơn dành cho nhà lãnh đạo Nga, khi gọi ông Putin là “kẻ sát nhân” và đe dọa sẽ khiến ông phải trả giá vì cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ. Tổng thống Nga đã phản pháo theo phong cách đối đáp quen thuộc: “Ai nói gì thì người đó chính xác là như vậy… Đừng suy bụng ta ra bụng người”.

Ron Paul - một cựu nghị sĩ Đảng Cộng hòa từng 2 lần là ứng cử viên Tổng thống Mỹ, cảnh báo về “một ngày dài” đầy khó khăn với ông Biden khi đối mặt với nhà đồng cấp Nga ở Geneva. Ông chủ Nhà Trắng đã mạnh mẽ tuyên bố trên các phương tiện truyền thông Mỹ rằng ông sẽ buộc Tổng thống Putin phải trả giá cho những gì Nga đã đối xử với những người bất đồng chính kiến như Alexei Navalny. Trước thềm cuộc gặp với ông Putin, ông Biden đã viết trong một bài xã luận trên tờ Washington Post rằng: “Tôi sẽ nhấn mạnh một lần nữa cam kết của Mỹ, châu Âu và các nền dân chủ cùng chí hướng trong việc đấu tranh cho nhân quyền và phẩm giá”.

“Có lẽ Tổng thống Putin sẽ nhắc nhở về cách chính quyền Biden tiếp tục truy bắt nhà báo Julian Assange vì đã vạch trần hành vi sai trái của Chính phủ… Có lẽ ông Putin sẽ nói với ông Biden về cách các nhà bất đồng chính kiến ở Mỹ đang bị đối xử, chẳng hạn như hàng trăm người biểu tình hôm 6/1”, ông Ron Paul viết trên NewsMax, cho biết nhiều người trong số những người biểu tình ôn hòa và không có vũ khí trong sự việc tại đồi Capitol đã bị biệt giam mà không có cơ hội được tại ngoại, buộc phải chờ đợi phiên tòa xét xử về các tội danh nhỏ, thậm chí có thể không diễn ra cho đến năm sau.

"Người Nga không mong đợi bất kỳ bước đột phá nào trong các vấn đề khu vực. Chính các quan chức Nga cũng đã nhấn mạnh rằng mọi người cần hạ thấp các kỳ vọng." - Chủ tịch Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế Aleksandr Dynkin

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần