Mỹ - Nga "ngả bài" trừng phạt kinh tế

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay sau khi Tổng thống Joe Biden tuyên bố Mỹ tin rằng Nga đã có sẵn kế hoạch tấn công Ukraine, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Daleep Singh đã làm rõ hơn những tính toán của Washington trong nỗ lực răn đe trừng phạt Moscow.

Phát biểu trước báo giới về kế hoạch tổng thể của Nhà Trắng, ông Singh cho biết Mỹ có khả năng cấm vận tài chính nhằm triệt tiêu khả năng tiếp cận vốn nước ngoài của Nga, cũng như kiểm soát xuất khẩu nhằm tước đoạt các sản phẩm công nghệ đầu vào mà Nga cần để đa dạng hóa nền kinh tế.

Theo Quy định Quản lý Xuất khẩu (EAR), chính quyền Tổng thống Biden có thể ban hành lệnh cấm các công ty Mỹ và nước ngoài xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao - như bán dẫn - sang Nga. EAR nêu rõ lệnh cấm vận của Mỹ không chỉ áp dụng đối với các mặt hàng của nước này, mà còn cả các sản phẩm, công nghệ được sản xuất, chế tạo ở những địa điểm, khu vực bên ngoài nước Mỹ nằm trong tiêu chí "sản phẩm trực tiếp" của các ngành như công nghệ, phầm mềm, chế tạo của Mỹ.

“Khi nói về những công nghệ nền tảng trong thời đại hiện nay, có thể nhận thấy rằng hầu hết số này đều do phương Tây phát triển và làm chủ. Ông Putin đã nhiều lần nói về mong muốn phát triển công nghệ vũ trũ, công nghiệp quốc phòng, công nghệ thông tin. Nhưng nếu thiếu công nghệ đầu vào, sẽ chẳng có cách nào để Nga hiện thực hóa những tham vọng đó”, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ nói.

Hiện chưa biết mức độ hiệu quả của quyết định cấm vận này ra sao trước Nga, nhưng trong một số trường hợp khác, hạn chế xuất khẩu theo EAR đã phát huy công dụng và giới chức Nhà Trắng cam kết đây sẽ là một yếu tố chủ chốt để cô lập, ngắt kinh tế Nga với thế giới bên ngoài.

Năm 2019, Mỹ giáng đòn trừng phạt nhằm vào Tập đoàn Huawei của Trung Quốc với các lệnh cấm xuất khẩu, đặc biệt là các sản phẩm bán dẫn. Quy định này đã được sửa đổi trong năm 2020. Huawei đã ngấm đòn, khi công bố mức doanh thu giảm 30% trong thời gian gần đây, chủ yếu là do trừng phạt từ Mỹ. Tuy nhiên, vẫn còn đó câu hỏi về tính hiệu quả của biện pháp dạng này khi áp dụng nhằm vào một quốc gia.

Về phần mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng Moscow không thể tránh khỏi các lệnh trừng phạt của phương Tây bởi chúng không nhằm mục đích làm thay đổi thái độ của Điện Kremlin. Theo ông, các lệnh trừng phạt thực chất là kế hoạch cạnh tranh không lành mạnh của Mỹ và các đồng minh.

"Họ chỉ quan tâm đến điều mang lại lợi thế cho mình. Họ luôn luôn định nghĩa mọi thứ theo cách mà họ muốn và phớt lờ lợi ích của các nước khác" - ông Putin nói trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko hồi tuần trước - "Đây là hành động vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế".

Mỹ và các đồng minh châu Âu đã áp lệnh trừng phạt với Nga vào năm 2014, sau sự kiện sáp nhập Crimea từ Ukraine. Khẳng định không có lệnh trừng phạt nào có thể hạ gục Nga, Tổng thống Putin nói rằng cách duy nhất để Moscow và Minsk giảm thiểu tác động của các lệnh trừng phạt là tăng cường hợp tác kinh tế và nguồn nhập khẩu thay thế.