Mỹ: Nhiều nước nhận vaccine nhưng không thể triển khai tiêm chủng

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính quyền Tổng thống Joe Biden cho biết một số quốc gia đã không thể phân bổ toàn bộ nguồn vaccine Covid-19 từ Mỹ, khi họ ngày càng phải vật lộn với các rào cản hậu cần.

"Thật vậy, đã có những thời điểm mà các quốc gia không thể tiếp nhận được những liều tiêm mà chúng tôi có thể cung cấp", Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói tại một cuộc họp báo hôm 15/2. Bà không nêu tên cụ thể đó là các quốc gia nào.

Cho đến nay, Mỹ đã viện trợ và vận chuyển 437 triệu liều vaccine Covid-19 ra nước ngoài, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác, và cam kết sẽ trao tổng cộng ít nhất 1,2 tỷ liều. Tổng thống Joe Biden đã tổ chức một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến vào tháng 9/2021 để kêu gọi một phản ứng toàn cầu phối hợp chặt chẽ hơn, điều mà những người ủng hộ nói rằng vẫn là chưa đủ.

Bà Psaki cho biết: "Chúng tôi hiện tại đã nỗ lực và nhận thấy một thách thức, đó là việc biến vaccine thành tiêm chủng, có nghĩa là cần hợp tác chặt chẽ với các đối tác của chúng tôi và giải quyết các vấn đề địa phương mà các quốc gia có thể phải đối mặt".

Tuyên bố của Nhà Trắng là phát biểu mới nhất trong một loạt các tín hiệu cho thấy chỉ riêng việc cung ứng vaccine hiện không còn là vấn đề chính nữa. Thay vào đó, các quốc gia đang phát triển đang phải vật lộn với những thách thức khác, như làm thế nào để đưa vaccine đến nơi cần thiết, bảo quản chúng ở nhiệt độ cực lạnh và giảm bớt sự e sợ, từ chối vaccine trong cộng đồng dân cư của họ.

Những người ủng hộ bình đẳng vaccine đã kêu gọi Tổng thống Biden và các nhà lãnh đạo phương Tây khác làm nhiều hơn nữa, đồng thời thừa nhận rằng Mỹ đã dẫn đầu thế giới về các khoản quyên góp. Các nước giàu đang được thúc giục mở rộng nguồn cung, nới lỏng các hạn chế về bằng sáng chế và loại bỏ bớt các rào cản hậu cần ở các nước đang phát triển.

Theo Our World In Data, khoảng 54% dân số thế giới đã được tiêm phòng, mặc dù con số này thấp hơn nhiều ở phần lớn châu Phi nói riêng.

Tháng 9 năm ngoái, chính quyền Biden đã cam kết tiêm chủng cho 70% người lớn trên toàn thế giới - gần như phù hợp với mục tiêu tương tự của Tổ chức Y tế Thế giới. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã thừa nhận trong tuần này rằng thế giới đang tụt lại khác xa so với mục tiêu đã đặt ra.

"Đại dịch này đã định nghĩa một cuộc khủng hoảng mà không quốc gia nào có thể giải quyết một mình" - ông Blinken nói hôm 14/2 - "Tất cả chúng ta đều biết thực tế rằng đại dịch còn lâu mới kết thúc".

Bà Psaki nói rằng Ngoại trưởng Blinken đã gióng lên hồi chuông báo động, "một phần vì ông ấy muốn tập hợp thế giới làm được nhiều hơn thế". Tổng thống Biden được cho là sẽ chủ trì một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến khác về tiêm chủng vào tháng tới.