Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mỹ phản ứng việc Trung Quốc siết xuất khẩu kim loại sản xuất chip bán dẫn

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Thương mại Mỹ cho biết nước này sẽ tham vấn với các đối tác và đồng minh nhằm giải quyết vấn đề này, cũng như xây dựng tính bền vững của chuỗi cung ứng.

Germanium  là một kim loại hiếm được sử dụng để chế tạo vật liệu bán dẫn. Ảnh:  UPI
Germanium  là một kim loại hiếm được sử dụng để chế tạo vật liệu bán dẫn. Ảnh:  UPI

Theo Reuters, Bộ Thương mại Mỹ ngày 5/7 lên tiếng phản đối việc Trung Quốc mới đây tuyên bố kiểm soát xuất khẩu gali và germani, các kim loại cần thiết để sản xuất chip bán dẫn và các thiết bị điện tử khác.

Người phát ngôn Bộ Thương mại Mỹ cho biết Washington sẽ tham vấn với các đối tác và đồng minh nhằm giải quyết vấn đề này, cũng như xây dựng tính bền vững của chuỗi cung ứng.

"Quyết định mới nhất của Trung Quốc cho thấy sự cần thiết phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Mỹ sẽ tham vấn với các đồng minh và đối tác để giải quyết vấn đề này và tăng cường tính bền vững của chuỗi cung ứng đối với các mặt hàng quan trọng" - người phát ngôn của Bộ Thương mại nêu rõ trong một tuyên bố hôm 5/7.

Trước đó, hôm 3/7 vừa qua, Bộ Thương mại Trung Quốc đã tuyên bố thực hiện các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với các mặt hàng liên quan đến gali và germani từ ngày 1/8. Đây là các vật liệu chính được sử dụng rộng rãi trong sản xuất chip.

Trung Quốc hiện là nhà sản xuất gali thô và germani hàng đầu thế giới, lần lượt chiếm tỷ trọng hơn 90% và 68% sản lượng toàn cầu.

Thông báo đột ngột của Trung Quốc đã khiến giá của các mặt hàng này tăng,  dẫn đến nhiều công ty phải khẩn trưởng tìm nguồn cung nguyên liệu.  

Trong một diễn biến liên quan, ông Wei Jianguo, cựu Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc, ngày 5/7 cho biết, đây chỉ là bước khởi đầu trong các biện pháp đáp trả của Trung Quốc.

Trong một phỏng vấn dành riêng cho Nhật báo Trung Quốc (China Daily), Wei Jianguo nói rằng việc Bắc Kinh thực hiện các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với các mặt hàng liên quan đến gali và germani là một phản ứng mạnh mẽ “được cân nhắc kỹ lưỡng”, “không chỉ khiến một số quốc gia hoảng sợ, mà còn khiến số khác bị ảnh hưởng nặng nề”.

Theo cựu quan chức này, “đây mới chỉ là bước khởi đầu trong các biện pháp đáp trả của Trung Quốc. Các phương thức và loại hình trừng phạt của Trung Quốc vẫn còn rất nhiều.” Nếu các hạn chế về công nghệ cao nhằm vào nước này tiếp tục leo thang, các biện pháp đáp trả cũng sẽ leo thang.

Bài viết trên tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc hôm 4/7 nêu rõ, đây là một "cách thực tế" để nói với Mỹ và các đồng minh rằng những nỗ lực của họ nhằm ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận các công nghệ tiên tiến là một "tính toán sai lầm".

Một số nhà phân tích kinh tế cho rằng quyết định của Trung Quốc hướng tới việc đáp trả các nỗ lực của Mỹ nhằm kìm hãm các bước tiến về công nghệ của Trung Quốc. Động thái này cũng diễn ra trước thềm chuyến thăm Trung Quốc của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen từ 6-9/7.

Ủy ban châu Âu cũng bày tỏ lo ngại, trong khi Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết bất kỳ sự hạn chế xuất khẩu nào đối với các vật liệu như germani sẽ rất nghiêm trọng.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 4 và 5/7 đều khẳng định, việc hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô bán dẫn này là thông lệ quốc tế phổ biến và “không nhằm vào bất kỳ quốc gia cụ thể nào”.

Ông Uông Văn Bân ngày 5/7 bổ sung thêm, các mặt hàng liên quan đến gali và germani có đặc tính sử dụng kép cho mục đích quân sự và dân sự, do vậy cần “đảm bảo chúng được sử dụng vào các mục đích hợp pháp” và áp đặt kiểm soát xuất khẩu đối với một số vật liệu tương tự cũng là cách làm của các thành viên Liên minh châu Âu (EU).