Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mỹ sẽ dừng xả kho dự trữ nếu giá dầu quay về dưới ngưỡng 80 USD/thùng

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hãng tin Bloomberg hôm 13/9 cho biết, chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ bắt đầu bổ sung nhiên liệu cho kho dự trữ dầu mỏ chiến lược khi giá dầu thô giảm xuống dưới 80 USD/thùng.

Mỹ sẽ dừng xả kho dự trữ nếu giá dầu quay về dưới ngưỡng 80 USD/thùng. 
Mỹ sẽ dừng xả kho dự trữ nếu giá dầu quay về dưới ngưỡng 80 USD/thùng. 

Trong tuần trước, các kho dự trữ dầu chiến lược (SPR) của Mỹ giảm 8,4 triệu thùng xuống 434,1 triệu thùng. Đây là mức giảm thấp nhất kể từ tháng 10/1984, theo dữ liệu do Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) công bố hôm 12/9.

Bộ trưởng Năng lượng Jennifer Granholm nói với Reuters vào tuần trước rằng, chính quyền Tổng thống Biden đang cân nhắc việc xả thêm dầu từ SPR sau khi chương trình hiện tại kết thúc vào tháng 10.

Trên thị trường dầu thế giới, giá dầu Brent được giao dịch ở mức 92,71 USD/thùng trong phiên ngày 13/9, còn giá dầu WTI chốt phiên với mức  87,76 USD/thùng.

Trước đó, cuối tháng 3 năm nay, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã yêu cầu bơm ra thị trường 1 triệu thùng dầu/ngày từ SPR trong 6 tháng để hạ nhiệt giá “vàng đen” trong bối cảnh chiến sự ở Ukraine siết chặt nguồn cung dầu mỏ trên thị trường quốc tế.

Giá dầu thế giới tăng mạnh đã đẩy giá xăng tại Mỹ thiết lập mức cao kỷ lục  và đẩy lạm phát tại nước này trong tháng 6/2022 lên mức cao nhất trong 40 năm qua.

Mặc dù giá xăng tại Mỹ gần đây đã hạ nhiệt, song lãnh đạo Bộ Tài chính nước này cảnh báo giá nhiên liệu có thể biến động mạnh trong những tháng cuối năm nay.

Theo Reuters, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen ngày 11/9 cho biết, người Mỹ có thể đối mặt với giá xăng tăng đột biến vào mùa đông khi Liên minh châu Âu (EU) cắt giảm đáng kể việc mua dầu mỏ của Nga, cùng với việc phương Tây áp biện pháp giới hạn giá với xuất khẩu dầu của Nga.

Theo Bộ trưởng Yellen, giá dầu thế giới có thể biến động do EU hạn chế phần lớn lượng nhập khẩu dầu mỏ từ Moscow và việc các nước phương Tây áp đặt lệnh cấm đối với các dịch vụ cho phép Nga vận chuyển dầu bằng tàu chở dầu.

Đầu tháng này, Bộ trưởng Tài chính của nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G7), gồm Mỹ, Nhật Bản, Canada, Đức, Pháp, Italy và Anh – cho biết sẽ cấm cung cấp "các dịch vụ cho phép vận chuyển dầu thô và các sản phẩm từ dầu Nga qua đường biển" nếu giá mua trên giá trần. Việc này sẽ khiến tàu chở dầu Nga không được bảo hiểm hay vay vốn.

Trong thông báo chung, G7 cho biết giá trần sẽ được tính toán bởi "một liên minh gồm nhiều quốc gia". Nó sẽ có hiệu lực cùng với lệnh trừng phạt tiếp theo của EU cuối năm nay.