Trong ngày làm việc trọn vẹn đầu tiên của bà Harris ở Singapore, 2 nhà lãnh đạo đã khởi động Quan hệ Đối tác để Tăng trưởng và Đổi mới, do Bộ Thương mại Mỹ và Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore đứng đầu, sẽ tập trung vào nền kinh tế kỹ thuật số, năng lượng và công nghệ môi trường, sản xuất tiên tiến và chăm sóc sức khỏe.
Đối thoại nhằm thúc đẩy hợp tác về khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng sẽ bao gồm một cuộc thảo luận với các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp của Mỹ và Singapore, cùng các cuộc đối thoại giữa 2 bên ở cấp chính phủ.
Phó Tổng thống Mỹ dự kiến gặp các nhà lãnh đạo khu vực tư nhân và chính phủ tại Singapore vào ngày mai (24/8), để thảo luận về việc những ngành nào sẽ tham gia đối thoại nói trên.
Trước chuyến công du đến Đông Nam Á, bà Harris cho biết đã thảo luận với Giám đốc điều hành General Motors Mary Barra về tình trạng thiếu chip toàn cầu, cũng như sự phụ thuộc của Mỹ vào các nước trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương về công nghệ.
"Các vấn đề về chuỗi cung ứng chất bán dẫn là thực tế rất đáng kể", Phó Tổng thống Mỹ cho biết.
Bloomberg dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết, mặc dù thương mại là một phần trong các cuộc trò chuyện của bà Harris ở châu Á, nhưng các cuộc đàm phán cho một khuôn khổ như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương hiện không nằm trong chương trình nghị sự.
Mỹ và Singapore cũng đã hoàn tất các thỏa thuận về an ninh mạng ảnh hưởng đến lĩnh vực tài chính, can thiệp quân sự và nâng cao năng lực khu vực. Bộ Tài chính Mỹ và Cơ quan Tiền tệ Singapore đã ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác không gian mạng nhằm giúp tạo điều kiện chia sẻ thông tin về các mối đe dọa trên không gian mạng đối với thị trường tài chính.
Các cơ quan an ninh mạng của 2 nước cũng đã hoàn tất biên bản ghi nhớ nhằm tăng cường chia sẻ thông tin và phối hợp để ứng phó sự cố mạng và giúp xây dựng năng lực an ninh mạng trên toàn Đông Nam Á.
Ngoài ra, 2 bên đã công bố khởi động quan hệ đối tác khí hậu, trong đó sẽ tập trung vào việc tăng cường các cơ chế tài chính bền vững và huy động vốn tư nhân cho các nỗ lực R&D để giảm thiểu và thích ứng với khí hậu.
Về sức khỏe toàn cầu, 2 nước nhất trí hợp tác cùng nhau để tăng cường khả năng sẵn sàng bằng cách nâng cao năng lực của các nước Đông Nam Á trong việc xác định các biến thể virus mới và đưa ra các cảnh báo sớm về dịch bệnh. Họ cũng sẽ hợp tác sâu hơn về nghiên cứu các phương pháp điều trị.
Bên cạnh các hợp tác chung, 2 nhà lãnh đạo Harris - Lee cũng đã thảo luận về vai trò của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các vấn đề khu vực khác, bao gồm Trung Quốc và Myanmar.
Phó Tổng thống Mỹ nói rõ rằng trong khi Washington hoanh nghênh sự cạnh tranh mạnh mẽ với Bắc Kinh, chính quyền Biden không muốn biến điều đó trở thành xung đột.
Ngay cả khi yếu tố Trung Quốc có thể xuất hiện nhiều trong các cuộc họp tuần này, các quan chức Mỹ được cho vẫn cố gắng tránh xa luận điệu "bài Trung": Thúc đẩy các lợi ích chung với Mỹ mà không thúc ép các nước chọn bên phải giữa Washington và Bắc Kinh.
Wendy Cutler, cựu quan chức thương mại, hiện là Phó chủ tịch của Viện Chính sách Xã hội châu Á, nói với Bloomberg rằng định hướng đó của Washington có ý nghĩa tích cực: "Để thành công, bất kỳ sáng kiến mới nào đều phải được định vị trong thế khẳng định chứ không phải chống Trung Quốc".
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long sẽ tổ chức một cuộc họp báo chung vào chiều nay. Bà Harris dự kiến khởi hành từ Singapore đến Hà Nội vào chiều 24/8.