Mỹ thông qua dự luật chi tiêu trị giá hàng nghìn tỷ đô la

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự luật chi tiêu trị giá 1.700 nghìn tỷ USD gồm hàng chục tỷ viện trợ cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga.

Dự luật được Tổng thống Joe Biden ký vào cuối ngày 30/12 để duy trì hoạt động của Chính phủ Liên bang cho khi kết thúc năm ngân sách vào tháng 9/2023, tránh việc nguy cơ đóng cửa tạm thời.

Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát đã thông qua dự luật với tỷ lệ 225-201 ngay trước lễ Giáng sinh. Cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện diễn ra một ngày sau khi Thượng viện, cũng do Đảng Dân chủ lãnh đạo, bỏ phiếu với tỷ lệ 68-29 để thông qua dự luật với sự ủng hộ nhiều hơn đến từ Đảng Cộng hòa.

Tổng thống Biden đến sân bay Henry E. Rohlsen tại đảo Virgin (Mỹ) vào ngày 17/1. Nguồn: AP
Tổng thống Biden đến sân bay Henry E. Rohlsen tại đảo Virgin (Mỹ) vào ngày 17/1. Nguồn: AP

Ông Biden cho rằng đây chính là minh chứng rõ ràng nhất cho việc cả Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ có thể cùng nhau hợp tác.

Hạ nghị sĩ Kevin McCarthy, lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ viện, đã nêu lên ý kiến tại phiên tranh luận rằng dự luật này khá tốn kém mà hiệu quả mang lại thì quá ít trong việc hạn chế tình trạng nhập cư bất hợp pháp cũng như ngăn lượng lớn thuốc phiện Fentanyl từ Mexico xâm nhập vào thị trường Mỹ.

Ông cho biết: “Đây là dự luật lố bịch nhất mà tôi từng thấy”.

Ông McCarthy đang kêu gọi sự ủng hộ từ các thành viên bảo thủ - những người đã chỉ trích hầu hết các điều khoản của dự luật cũng như về quy mô và phạm vi của nó - trong cuộc họp kín của Đảng Cộng hòa. 

Dự luật này gồm khoản tăng 6% cho các sáng kiến trong nước, nâng mức tổng chi tiêu cho lĩnh vực này lên đến 772,5 tỷ USD và khoản tăng 10% cho chi tiêu quốc phòng để lĩnh vực này sẽ nhận mức tổng chi tiêu lên đến 858 tỷ USD.

Thỏa thuận để thông qua dự luật đã đạt được chỉ vài giờ trước khi các gói tài trợ cho Chính phủ Liên bang hết hạn. Quốc hội đã thông qua hai biện pháp chi tiêu ngắn hạn để duy trì hoạt động của chính phủ.

Ông Biden đã chấp thuận biện pháp trên nhằm đảm bảo hoạt động của chính phủ cho đến khi Quốc hội gửi cho ông dự luật cả năm, được gọi là đạo luật “Omnibus”.

Dự luật khổng lồ - với độ dày hơn 4.000 trang, gồm 12 dự luật phân bổ, viện trợ cho Ukraine và thực hiện cứu trợ cho những nơi chịu hậu quả thiên tai nặng nề. Nó cũng gồm một số thay đổi trong chính sách được các nhà lập pháp xem xét đưa vào dự luật lớn cuối cùng tại phiên họp của Quốc hội.

Quốc hội Mỹ đã viện trợ khoảng 45 tỷ USDcho Ukraine và các nước đồng minh NATO, nhiều hơn những gì mà ông Biden đề xuất. Tuy nhiên, các khoản viện trợ trong tương lai không được đảm bảo khi đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Hạ viện vào tuần tới sau chiến thắng của đảng này trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.

Mặc dù hai đảng đều ủng hộ các khoản viện trợ cho Ukraine, nhưng một số thành viên Đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã phản đối việc này và cho rằng số tiền này nên được dùng cho các ưu tiên ở Mỹ.

Ông McCarthy đã cảnh báo rằng đảng Cộng hòa sẽ không cung cấp bất kỳ khoản viện trợ nào cho Ukraine trong tương lai.

Dự luật cũng dành ra 40 tỷ USD cho các chi tiêu cấp thiết nhằm hỗ trợ người dân trên khắp nước Mỹ phục hồi sau hạn hán, bão và các thảm họa thiên nhiên khác.

Nhà Trắng cho biết đã nhận được dự luật từ Quốc hội vào chiều 28/12 và được ông Biden ký vào hôm sau tại Quần đảo Virgin (Mỹ).

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần