Trước đây, cả hai cơ quan nói trên đều đã bị Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt. Trong quyết định mới nhất, Bộ Tài chính Mỹ cũng áp lệnh trừng phạt đối với 4 quan chức hàng đầu của cơ quan tình báo IRGC.
"Hành động hôm nay nhắm vào các quan chức cấp cao và cơ quan an ninh ở Iran và Nga chịu trách nhiệm về việc bắt giữ con tin hoặc giam giữ trái phép công dân Mỹ ở nước ngoài" - Thứ trưởng Bộ Tài chính Brian Nelson cho biết hôm 27/4.
AFP dẫn lời một quan chức cấp cao giấu tên của Chính phủ Washington cho biết, các biện pháp trừng phạt mới sẽ nhấn mạnh quan điểm của Mỹ về hiện tượng "ngày càng nhiều chính phủ giam giữ công dân nước ngoài để trục lợi chính trị".
"Việc bắt giữ trái phép con người làm 'con tin chính trị' để thương lượng là hành vi sai trái nhưng dường như đang trở thành xu hướng" - quan chức này nói. Người này cho biết thêm, việc áp dụng các biện pháp trừng phạt nhằm mục đích "thúc đẩy trách nhiệm giải trình" đối với các chính phủ bắt giữ người, qua đó "ngăn chặn các vụ việc tiếp theo ngay trong trứng nước".
Các biện pháp trừng phạt của Washington được đưa ra chỉ 1 tháng sau khi Nga bắt giữ phóng viên Evan Gershkovich của tờ Wall Street Journal với cáo buộc làm gián điệp. Phía Mỹ đang tìm cách trả tự do cho công dân này và Paul Whelan - cựu lính thủy đánh bộ Hoa Kỳ bị bắt ở Nga vào năm 2018 và bị kết án tù 2 năm sau đó vì cáo buộc làm gián điệp.
Năm ngoái, trong các cuộc hoán đổi tù nhân, Mỹ đã bảo đảm việc Nga thả ngôi sao bóng rổ Brittney Griner - người bị bỏ tù vì tội ma túy, và một cựu lính thủy đánh bộ khác là Trevor Reed - bị cầm tù vì hành hung một sĩ quan cảnh sát Nga.
Theo AFP, ít nhất 3 công dân Mỹ cũng đang bị bỏ tù ở Iran, trong đó có doanh nhân Siamak Namazi bị giam giữ tại nhà tù Evin ở Tehran từ năm 2015.
Trong một diễn biến khác, Bộ Ngoại giao Nga hôm 27/4 đã từ chối yêu cầu của Đại sứ quán Mỹ ở Moscow đến thăm phóng viên Gershkovich vào ngày 11/5 tới.