CNOOC đã bị cáo buộc có nhiều năm hoạt động ở vùng biển trong vòng 200 hải lý thuộc vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia như Philippines và Việt Nam.
Trong một tuyên bố hôm 14/1, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross chỉ trích hoạt động của CNOOC tại Biển Đông nhằm "đe dọa các nước láng giềng". Do đó, Washington đã ra quyết định hạn chế quyền tiếp cận một số công nghệ của Mỹ như một lệnh trừng phạt siết chặt CNOOC.
Khác với các công ty lớn hơn trong ngành, CNOOC được cho chủ yếu tập trung vào hoạt động khoan và thăm dò ngoài khơi. Hoạt động này mang tính kỹ thuật sâu, đòi hỏi phần mềm và công nghệ phức tạp có nguồn gốc từ nhiều công ty toàn cầu, bao gồm một số DN của Mỹ. "Mối lo ngại lớn nhất đối với CNOOC là khả năng các lệnh trừng phạt làm gián đoạn việc nhập khẩu công nghệ và thiết bị. Công ty này phụ thuộc vào các DN quốc tế về những thứ như thiết bị giàn khoan, vận chuyển và bảo trì. Trung Quốc không có các sản phẩm nội địa được cấp bằng sáng chế tương đương để thay thế", chuyên gia phân tích Li Li của công ty nghiên cứu hàng hóa ICIS-China nói với Bloomberg.
Theo một báo cáo thường niên của CNOOC, khu vực phía Đông Biển Đông mang lại khoảng 242.000 thùng dầu mỗi ngày cho công ty trong năm 2019, chiếm khoảng 17% tổng sản lượng, ở độ sâu từ 100 - 1.500m. Cũng trong năm đó, CNOOC đã thực hiện 7 dự án khai thác mới trong vùng được cho là "khu vực hoạt động cốt lõi" này.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc hôm 15/1 cho biết, CNOOC đã khai trương cơ sở sản xuất và lưu trữ dầu nửa chìm nửa nổi ở vùng nước sâu, với dung tích 100.000 tấn, đầu tiên trên thế giới tại một mỏ gần đảo Hải Nam nước này.