Mỹ “tự bắn vào chân mình” nếu tung đòn thuế 50% với hàng hóa EU?
Kinhtedothi - Giới chuyên gia cảnh báo, mức thuế 50% không chỉ làm tổn hại quan hệ thương mại với EU, một trong những đối tác lớn nhất của Mỹ, mà còn khiến chi phí sản xuất trong nước tăng vọt.
Trong khi căng thẳng thương mại toàn cầu vừa hạ nhiệt nhờ thỏa thuận đình chiến thương mại Mỹ-Trung, Tổng thống Donald Trump một lần nữa khiến thị trường tài chính rúng động khi đe dọa áp mức thuế lên tới 50% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU) và cảnh báo Apple rằng iPhone được sản xuất bên ngoài Mỹ sẽ phải đối mặt với mức thuế 25%.

Ông Trump đe dọa áp thuế 50% với hàng hóa EU. Ảnh: CGTN
Tuy nhiên,các chuyên gia thương mại và vận tải cảnh báo rằng động thái này có thể phản tác dụng, gây thiệt hại cho chính nền kinh tế Mỹ và làm tổn thương các chuỗi cung ứng công nghiệp then chốt.
"Canh bạc" nguy hiểm với Mỹ
Tổng thống Trump hôm 23/5 viết trên Truth Social rằng các cuộc thảo luận với EU "sẽ không đi đến đâu" và ông đang đề xuất áp thuế 50% với hàng nhập khẩu từ châu Âu kể từ ngày 1/6.
Dù lời đe dọa được xem là chiến thuật đàm phán của ông Trump, nhưng các chuyên gia thương mại và hậu cần nhận định rằng ông chủ Nhà Trắng hoàn toàn có thể hiện thực hóa cảnh báo này bằng các cơ chế pháp lý hiện hành.
Ông Josh Teitelbaum, cố vấn cấp cao tại hãng luật Akin, cho rằng việc Tổng thống Trump đưa ra cảnh báo thuế quan cứng rắn với EU là do hai bên đang bế tắc trong đàm phán thương mại. "Ông Trump không sai khi cho rằng EU chưa tích cực như kỳ vọng, nhưng châu Âu cũng có lý do chính đáng để thận trọng. Cả Mỹ và EU đang mắc kẹt trong một thế đối đầu" - ông Teitelbaum nói.
Điều đáng lo ngại, theo các chuyên gia, là Mỹ có thể đang “tự bắn vào chân mình” vì mức thuế 50% không chỉ làm tổn hại quan hệ thương mại với EU, một trong những đối tác lớn nhất của Mỹ, mà còn khiến chi phí sản xuất trong nước tăng vọt do phần lớn nguyên liệu và thiết bị công nghiệp của Mỹ được nhập khẩu từ châu Âu.
“Châu Âu là nguồn cung ổn định và đáng tin cậy các sản phẩm công nghiệp. Một mức thuế lớn như vậy sẽ khiến chi phí sản xuất của Mỹ đội lên, làm hàng hóa Mỹ kém cạnh tranh”, Giám đốc điều hành hãng vận tải Atlantic Container Line Andy Abbott cảnh báo.
Áp lực với doanh nghiệp Mỹ và nguy cơ đình lạm
Không giống như châu Á - khu vực chủ yếu cung cấp sản phẩm tiêu dùng, châu Âu đóng vai trò là nhà cung ứng công nghệ và thiết bị then chốt cho các ngành công nghiệp Mỹ. Do đó, mức thuế mới đối với hàng hóa EU, nếu được thực thi, có thể khiến chuỗi cung ứng đứt gãy và tạo áp lực lớn lên các nhà sản xuất trong nước.
Các doanh nghiệp Mỹ đã nhiều lần nhấn mạnh với Nhà Trắng rằng việc tăng thuế phải tính đến chi phí vận hành và mở rộng nhà máy tại Mỹ. Việc đánh thuế cao đối với linh kiện nhập khẩu từ EU sẽ khiến mục tiêu "tái nội địa hóa" sản xuất của chính quyền Tổng thống Trump trở nên bất khả thi.
“Nếu chính sách thuế quan gây ra hiệu ứng đình lạm, xảy ra khi lạm phát và suy thoái kinh tế đồng thời diễn ra, điều này sẽ là kịch bản tồi tệ nhất cho bất kỳ ngân hàng trung ương nào,” ông Austan Goolsbee, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại Chicago, nhận định trên đài CNBC.
Không chỉ sản xuất bị ảnh hưởng, các doanh nghiệp xuất khẩu Mỹ cũng sẽ chịu thiệt hại. Giá cước vận tải từ Mỹ sang châu Âu hiện rẻ hơn nhiều so với chiều ngược lại. Việc giảm nhập khẩu từ EU sẽ khiến chi phí xuất khẩu tăng, làm hàng hóa Mỹ kém hấp dẫn trên thị trường quốc tế.
Phản ứng của châu Âu
Ủy ban châu Âu đã từ chối bình luận về đe dọa thuế mới nhất của Tổng thống Trump. Theo Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, EU là đối tác thương mại lớn thứ hai của Mỹ trong năm 2022, với kim ngạch xuất khẩu lên tới 351 tỷ USD.
Tuy nhiên, nếu căng thẳng thương mại leo thang, EU có thể sẽ “không ngồi yên”. Các chuyên gia cảnh báo về một cuộc trả đũa thương mại tương tự như thời kỳ đầu của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
“Một mức thuế 50% với hàng hóa châu Âu sẽ là đòn đánh chí mạng, không chỉ tác động tiêu cực đến nền kinh tế Mỹ mà còn làm bùng phát các biện pháp đáp trả từ EU. Đây là tình huống vô cùng nguy hiểm”, chuyên gia thương mại Timothy Brightbill tại hãng luật Wiley nói.
Trên thị trường tài chính, chỉ số USD, phản ánh sức mạnh của đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt khác, giảm 0,8% trong ngày 23/5, ghi nhận mức lao dốc trong ngày lớn nhất trong vòng 1 tháng và kết thúc tuần giao dịch tồi tệ nhất trong 6 tuần. Diễn biến này cho thấy tâm lý hoài nghi gia tăng trên thị trường tài chính toàn cầu trước cảnh báo thuế quan từ Tổng thống Trump.
Trong khi đó, giá vàng nhảy vọt 2%, phản ánh sự chuyển dịch dòng tiền của nhà đầu tư khỏi tài sản rủi ro.
“Thị trường tài chính một lần nữa đối mặt với nỗi lo ngại về thuế quan cao đánh vào một đối tác thương mại lớn,” ông Rob Haworth, Giám đốc chiến lược đầu tư cấp cao tại US Bank Asset Management, đánh giá.
Theo các chuyên gia tại Barclays, lời đe dọa áp thuế 50% đối với hàng hóa EU của ông Trump chủ yếu là một chiến thuật đàm phán. Tuy nhiên, họ cảnh báo, việc nhắm vào các sản phẩm như iPhone cho thấy chính quyền Mỹ vẫn chưa từ bỏ công cụ thuế quan, đồng thời lưu ý rằng những biến động lớn trong chính sách thương mại có thể sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới.

Bước ngoặt bất ngờ trong căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các nước láng giềng
Kinhtedothi - Trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ để ngỏ khả năng công bố thỏa thuận giảm thuế đối với Canada và Mexico, chỉ một ngày sau khi Washington áp đặt mức thuế 25% lên hàng hóa nhập khẩu từ 2 nước.

G7 căng thẳng: Mỹ dọa không ký tuyên bố chung nếu trái ý ông Trump
Kinhtedothi - Cuộc họp Bộ trưởng Tài chính G7 tại Canada tìm kiếm đồng thuận về các vấn đề phi thuế quan, nhưng vấp phải điều kiện cứng rắn từ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Ông Trump dọa đánh thuế 25% iPhone sản xuất ngoài Mỹ, Apple "đứng ngồi không yên"
Kinhtedothi - Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 23/5 cảnh báo sẽ áp thuế 25% đối với mọi mẫu iPhone không được sản xuất trong nước, tạo áp lực lớn buộc Apple phải cân nhắc đưa dây chuyền trị giá hàng tỷ USD hồi hương.