Tổng thống Joe Biden hôm 30/1 khẳng định Mỹ sẽ không cung cấp máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine.
Kiev trước đó đã bày tỏ hy vọng có được các máy bay chiến đấu như F-16, sau khi Mỹ đề cập đến việc chấp thuận chuyển giao xe tăng chiến đấu M1 Abrams. Yuriy Sak, cố vấn Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, phát biểu đầy tự tin với CNBC tuần trước: "Chúng tôi sẽ mua F-16".
Cũng trong tuần trước, các quan chức Mỹ cũng tỏ ra cởi mở với khả năng này. Cụ thể, Phó cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Jon Finer nói với MSNBC rằng Mỹ sẽ thảo luận về ý tưởng cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine một cách "rất cẩn trọng" với Kiev và các đồng minh.
John Kirby, điều phối viên truyền thông chiến lược tại Hội đồng An ninh Quốc gia, nói với báo giới rằng "không có gì bất ngờ" khi Ukraine yêu cầu máy bay chiến đấu và Mỹ đang "thảo luận tích cực" với phía Ukraine về vấn đề này.
Nhưng Mỹ cũng có tiền lệ đảo ngược các quyết định cung cấp vũ khí cho Ukraine, như xe tăng Abrams và hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot, khi cuối cùng lại cung cấp chúng cho Kiev.
Tuần trước, Tổng thống Biden đã tuyên bố Mỹ sẽ gửi 31 xe tăng chiến đấu tối tân M1 Abrams tới Ukraine. Động thái này diễn ra sau khi Đức cho biết họ sẽ cung cấp 14 xe tăng Leopard 2 của nước này cho Ukraine.
Kiev đã vận động hành lang mạnh mẽ để Mỹ, Đức và các nước khác cung cấp xe tăng, mà Ukraine cho rằng sẽ rất quan trọng đối với một cuộc phản công mùa Xuân sắp tới. Ước tính sẽ mất vài tháng để xe tăng do Mỹ sản xuất đến được Kiev.
Ông Biden cho biết quyết định "dựa trên nỗ lực và cam kết của các quốc gia trên thế giới, dẫn đầu là Mỹ, để giúp Ukraine bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình".
Trong khi phía Nga đã nhiều lần cảnh báo việc các nước phương Tây bơm vũ khí vào Ukraine là đang trực tiếp hoặc gián tiếp tham chiến, sẽ phải chịu trách nhiệm về việc xung đột kéo dài.