"Tôi có thể nói rằng bản thân Nga, từ trước tới nay, lần gần đây nhất là năm ngoái, đã khẳng định một cách rõ ràng rằng sẽ không có chiến tranh hạt nhân và một cuộc chiến tranh không có người chiến thắng. Chúng tôi đồng ý với điều đó. Và đó là điều quan trọng đối với tất cả các nước” - bà Psaki phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 2/5.
Quan chức Nhà Trắng nói thêm rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn không muốn gửi quân đến Ukraine. "Tôi xin lưu ý quan điểm của Tổng thống và ông ấy vẫn giữ lập trường rằng chúng tôi không đưa quân đội Mỹ vào thực địa để tham chiến. Và đó là điều mà chúng tôi sẽ tiếp tục nhắc lại với người Mỹ" - bà Psaki nói.
Bà cũng bác bỏ ý kiến cho rằng chiến sự ở Ukraine đã biến thành một cuộc xung đột gián tiếp giữa Tổ chức Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Nga. "Đây không phải là cuộc chiến ủy nhiệm. Đây là xung đột giữa Nga và Ukraine. NATO không tham gia. Mỹ không tham gia cuộc chiến này. Vì vậy, tôi nghĩ điều quan trọng và sống còn đối với tất cả chúng ta là không nhắc lại quan điểm của Điện Kremlin về vấn đề này" - bà nói.
Trước đó, hôm 30/4, ông Vladimir Yermakov - Cục trưởng Cục Kiểm soát và Không phổ biến vũ khí của Bộ Ngoại giao Nga, tuyên bố Moscow hối thúc các quốc gia khác tuân thủ các quy định được nêu trong các văn kiện để ngăn chặn một cuộc chiến tranh hạt nhân và tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc rằng một cuộc xung đột như vậy là không thể chấp nhận được.
“Tất cả các quốc gia phải nhất quán tuân thủ logic được nêu trong các văn kiện chung của Nhóm bộ ngũ hạt nhân với sự tham gia tích cực nhất, bao gồm tuyên bố hồi tháng 1/2022 của lãnh đạo 5 nước về việc ngăn chặn một cuộc chiến tranh hạt nhân," hãng tin Tass dẫn tuyên bố của ông Yermakov nêu rõ.
Theo tuyên bố chung được công bố vào tháng 1 vừa qua, 5 cường quốc hạt nhân cũng là 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, gồm Nga, Trung Quốc, Anh, Mỹ và Pháp, thống nhất quan điểm không phổ biến vũ khí hạt nhân và ngăn chặn một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Ông Yermakov khẳng định lại nguyên tắc phải giảm thiểu các rủi ro của một cuộc chiến tranh hạt nhân, đảm bảo cuộc chiến như vậy không bao giờ được khơi ra, đặc biệt là bằng cách ngăn chặn bất kỳ cuộc xung đột vũ trang nào giữa các cường quốc hạt nhân. “Nga nghiêm túc tuân thủ nguyên tắc này," Cục trưởng Cục Kiểm soát và Không phổ biến vũ khí của Bộ Ngoại giao Nga khẳng định.